FECON đặt mục tiêu 4.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất năm 2019 và đến 2023 sẽ là 10.273 tỷ đồng. |
Doanh thu trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2023
“Cơ sở nào để FECON đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2019 - 2025?” là thắc mắc của không ít cổ đông nêu ra với Ban lãnh đạo FECON tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 được tổ chức mới đây.
Sự hoài nghi của các cổ đông không phải là không có cơ sở, khi Hội đồng Quản trị của FECON nêu ra một bảng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới, với mức tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, FECON đặt mục tiêu 4.200 tỷ đồng doanh thu hợp nhất năm 2019 và đến 2023 sẽ là 10.273 tỷ đồng. Trong khi đó, kết thúc năm 2018, doanh thu hợp nhất của FECON đạt 2.846 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, nhưng mới chỉ đạt 81% kế hoạch.
Tuy nhiên, nếu theo dõi hoạt động của doanh nghiệp này trong nhiều năm qua, có thể thấy việc đặt mục tiêu cao và không hoàn thành là… bình thường, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng của FECON thường xuyên đạt từ 10 - 20% mỗi năm. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cũng từng nhiều lần chia sẻ, việc đặt mục tiêu cao hằng năm của công ty nhằm thúc đẩy nội bộ làm việc trách nhiệm, hiệu quả hơn.
Về kế hoạch kinh doanh giai đoạn 5 năm tới, ông Khoa tự tin cho biết, chiến lược trung hạn này được xác định dựa trên nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, lĩnh vực ngành, sản phẩm.
“5 năm vừa qua, Công ty đã đầu tư nhiều vào các tài sản, máy móc thiết bị liên quan đến công trình ngầm đặc biệt. Đó là thời gian đầu tư, đào tạo đội ngũ, và 5 năm tới đây mới là giai đoạn khai thác”, ông Khoa nói.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch của FECON cũng cho hay, 2 năm qua, các dự án hạ tầng hầu như dậm chân tại chỗ, không có dự án mới. “Sự chậm trễ đấy đã tới hạn, tới đây Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai các dự án như metro, thoát nước ngầm, giao thông, thông qua vốn ngân sách, vốn FDI, thông qua các hình thức hợp tác PPP... Đó là cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, những công trình hạ tầng nhiều lên”, ông Khoa khẳng định.
Cụ thể, FECON cho biết, đã theo đuổi một số dự án trọng điểm, tiềm năng từ nhiều năm nay như Dự án thoát nước thải Yên Xá Hà Nội, gói thầu metro 3 Hà Nội, nhiệt điện Nam Định, nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án hóa dầu Long Sơn...
Bên cạnh đó, với chiến lược đầu tư trong những năm trở lại đây, FECON cũng tham gia đầu tư góp vốn với tỷ lệ nắm quyền chi phối tại các dự án hạ tầng như điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, điện mặt trời Bình Phước, điện gió tại Gia Lai, Đắk Lắk, dự án BT tỉnh lộ 9 TP.HCM, dự án BT cống Rạch Tra…
Tại Myanmar, FECON đang cùng đơn vị lớn của Nhật tham gia vào nhiều dự án và đã ký hợp đồng trên 100 tỷ đồng, sắp tới ký thêm hợp đồng 200 tỷ đồng cho dự án cầu Bago sử dụng vốn ODA Nhật Bản. “Các dự án tại Myanmar rất hấp dẫn, đem đến nhiều cơ hội do nhu cầu về hạ tầng tại Myanmar đang bùng nổ”, ông Khoa nói.
Giải bài toán dòng tiền
Với những kế hoạch đầu tư, kinh doanh tham vọng kể trên, vốn cũng là vấn đề mà các cổ đông thắc mắc.
Theo nội dung đã được các cổ đông thông qua tại Đại hội này, FECON sẽ tăng vốn từ 943 tỷ đồng lên 1.195 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm bao gồm 19,5 triệu cổ phần chuyển đổi trái phiếu có quyền chuyển đổi cho RAITO Kogyo - Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về xử lý nền, công trình ngầm và xử lý sạt trượt. Đây cũng là đối tác chiến lược của FECON. Việc chuyển đổi này sẽ giúp FECON giảm bớt áp lực vay nợ.
Ngoài ra, Công ty cũng phát hành thêm gần 5,7 triệu cổ phần để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (5% còn lại chi trả bằng tiền mặt). Lý giải về việc này, ông Khoa cho biết, nguồn lợi nhuận để lại sẽ sử dụng để tái đầu tư, khi các dự án phát triển tốt sẽ góp phần tăng giá cổ phiếu, đem lại giá trị cao nhất cho nhà đầu tư.
FECON cho biết, đang tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư từ Singapore và Hàn Quốc về việc phát hành 25 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Theo ông Khoa, kế hoạch này được đặt ra trên cơ sở tiềm năng đàm phán phát hành thành công với mức giá không dưới 22.000 đồng/cổ phần.
Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư các dự án hạ tầng cũng bắt đầu đem lại hiệu quả cho FECON. Việc thoái 60% vốn tại Dự án Điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 trong năm qua đã đem lại khoản lãi 104 tỷ đồng cho FECON. “Trong tương lai, phương châm của FECON là chuyển dịch từ nhà thầu sang nhà phát triển dự án, việc thoái một phần vốn tại các dự án này sẽ đem lại nguồn tiền mặt để đầu tư dự án khác”, ông Khoa nói.