Sức khỏe doanh nghiệp
FECON gia cố “nền móng” tài chính cho giai đoạn tới
Kỳ Thành - 26/02/2021 08:30
Mặc dù kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, nhưng có thể xem năm 2020 là thời gian để FECON củng cố nền tảng nhằm hồi phục và tăng trưởng.
Lũy kế cả năm 2020, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 133,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng

Trong diễn biến lên xuống của chỉ số VN-Index trong các phiên giao dịch kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mã cổ phiếu FCN của Công ty cổ phần FECON vẫn duy trì được đà tăng đều đặn. Đáng chú ý là, nhịp tăng của mã cổ phiếu này dường như “bất chấp” kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 có phần “hụt hơi”, được FECON công bố trước kỳ nghỉ Tết.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của FECON, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.142,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 50,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,1% và 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,9% còn 12,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 18,6%, còn 146 tỷ đồng, các chi phí phát sinh đều tăng cao, nên kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2020, FECON ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 133,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,2% và giảm 36,9% so với thực hiện trong năm 2019.

Tuy nhiên, so với mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng và 233 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế mà FECON đã đề ra, thì doanh nghiệp mới hoàn thành 79% về doanh thu và 57% mục tiêu về lợi nhuận.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết, trong nửa cuối năm 2020, Công ty đã ký thành công nhiều gói hợp đồng thi công các dự án điện gió, với tổng trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, FECON đã chốt được hợp đồng nhiều gói thầu.

Gia cố “nền móng” tài chính

Một chỉ tiêu đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính của FECON là giá trị tồn kho thời điểm cuối năm 2020 đạt 1.025,5 tỷ đồng, tăng 52% so với cuối năm 2019.

Lãnh đạo của FECON từng nhiều lần lý giải, quý IV thường là giai đoạn cao điểm trong hoạt động kinh doanh, thường mang về 40% doanh thu cho Công ty. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, các dự án năm 2020 tại Việt Nam đều triển khai mạnh từ nửa cuối năm, nên việc giá trị hàng tồn kho tăng cao có thể xem là “của để dành” để FECON ghi nhận doanh thu vào các quý tiếp theo.

Để hiện thực hóa chiến lược vừa trở thành nhà thầu chính, vừa là nhà đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, bất động sản công nghiệp, thời gian qua, FECON đã có những động thái nhằm gỡ “nút thắt” về vốn.

Sau khi dừng đàm phán với nhà đầu tư China Harbour Engineering Company Ltd., (CHEC) trong phương án phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nhằm thu về tối thiểu 480 tỷ đồng, lãnh đạo FECON cho biết, Công ty đang tìm kiếm đối tác phát hành là các công ty xây lắp hạ tầng từ Nhật Bản.

Được biết, cổ đông đang nắm giữ phần vốn lớn nhất tại FECON hiện nay là Raito Kogyo Co.,Ltd - một tập đoàn xây dựng lớn tại Nhật Bản với 70 năm hoạt động trong lĩnh vực thi công nền móng công trình.

Tin liên quan
Tin khác