Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lẽ sẽ cảm thấy bớt áp lực hơn trong cuộc họp tháng này, sau khi báo cáo được Bộ Lao động công bố ngày 10/3 cho thấy mức tăng tiền lương đã chậm lại trong tháng 2, nhen nhóm hy vọng lạm phát sẽ giảm khi thị trường lao động trở lại bình thường.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên 3,6% trong tháng 2, sau khi có thêm nhiều người bắt đầu tham gia lực lượng lao động. Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập theo giờ có dấu hiệu chậm lại, giảm từ 0,3% trong tháng 1 xuống 0,2% trong tháng 2. Mặc dù trong tháng 2, nền kinh tế Mỹ tạo ra 311.000 việc làm, cao hơn dự đoán trước đó của các nhà kinh tế, nhưng do việc tuyển dụng tập trung vào ít lĩnh vực hơn và tiền lương ở một số ngành giảm nên thị trường lao động đã có dấu hiệu nới lỏng. Đây sẽ là tiền đề kéo tăng trưởng việc làm chậm lại, qua đó tháo bớt áp lực giá cả và khiến Fed giảm sức ép phải quay lại chu trình tăng mạnh lãi suất.
Dự kiến, Mỹ sẽ công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày 14/3 tới, một trong những cơ sở quan trọng để Fed cân nhắc lộ trình tăng lãi suất tiếp theo trong cuộc họp chính sách vào ngày 21-22/3 tới. Các dự đoán trước đó cho rằng Fed sẽ quay lại với mức tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa biên độ lãi suất cơ bản lên khung 5 - 5,25%. Tuy nhiên theo Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của tổ chức dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide (Mỹ), cũng có thể Fed sẽ giữ nguyên mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nhờ gia tăng nguồn cung lao động và tiền lương tăng chậm lại.