Người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại siêu thị. Ảnh: TTXVN |
Tờ Wall Street Journal ngày 14/11 đăng bài bình luận về tác động của việc lạm phát dịu lại tại Mỹ đối với chính sách điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nội dung như sau:
Bộ Lao động Mỹ ngày 14/11 cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng 10 đã đi ngang so với tháng 9 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Lạm phát cơ bản tại Mỹ từng vọt lên mức cao kỷ lục 9,1% vào tháng 6/2022. Lạm phát lõi, tức chỉ số giá tiêu dùng loại trừ các mặt hàng dễ biến động về giá là thực phẩm và năng lượng, cũng đã dịu lại. Lạm phát lõi trong 5 tháng gần đây (từ tháng 6 cho đến tháng 10) tăng 2,8% theo năm, giảm so với mức 5,1% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Giá năng lượng giảm 2,5%, giá thực phẩm lại tăng 0,3%. Chi phí nhà ở vốn chiếm 1/3 tỷ trọng rổ CPI, chỉ tăng 0,3% trong tháng 10, bằng một nửa mức tăng của tháng trước. Đó là những nhân tố khiến lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt.
“Phần khó khăn nhất của cuộc chiến chống lạm phát giờ đã xong”, ông David Mericle, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại ngân hàng Goldman Sachs, nhận định.
Nhiều người Mỹ không an tâm trước tình trạng lạm phát giảm tốc vì mức tăng giá của mọi thứ từ ô tô, hàng tạp hóa đến nhà ở kể từ năm 2021 đã lớn một cách bất thường. Trong báo cáo lạm phát tháng 10, CPI lõi đã tăng trong 5 tháng liên tục, với mức tăng chậm hơn so với hai năm trước. Xu thế này gần với những điều kiện mà giới chức Fed tin rằng đủ sức thuyết phục để không cần tăng lãi suất.
Trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm để kiềm chế lạm phát thông qua việc hạ nhiệt hoạt động kinh tế. Lần tăng lãi suất gần nhất của Fed là vào tháng 7/2023. Kể từ đó, giới chức Fed trong hai phiên họp tháng 9 và tháng 11 đều quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản. Nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục làm vậy trong cuộc họp từ ngày 12 - 13/12.
Khi lạm phát lần đầu tiên tăng vọt vào năm 2021, Fed và hầu hết các nhà kinh tế cho rằng giá cả đi lên chủ yếu là do đứt gãy trong sản xuất và việc đại dịch gây ra lạm phát về cơ bản sẽ tự giảm dần. Các quan chức đã thay đổi 180 độ trong đánh giá tình hình vào cuối năm 2021, khi kết luận rằng lạm phát tăng là do cầu quá mạnh. Fed bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2022 với tốc độ nhanh nhất trong 4 thập kỷ để chống lại mức lạm phát cũng ở ngưỡng cao nhất của 40 năm.
Fed đã giảm cường độ tăng lãi suất vào cuối năm ngoái và nâng lãi suất cơ bản ở cấp độ trung tính hơn trong suốt 7 tháng gần đây, với mức tăng khiêm tốn là 0,25 điểm phần trăm mỗi đợt. Nếu Fed giữ lãi suất ổn định vào tháng tới, thời gian tạm dừng tăng lãi suất sẽ được kéo dài lên khoảng 6 tháng. Bước “đóng băng” lãi suất này diễn ra vào thời điểm hoạt động tuyển dụng tại Mỹ chậm lại, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, tạo ra luồng quan điểm lạc quan cho rằng Fed đã đạt được mục tiêu về cái gọi là “cú hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ - trạng thái giúp giảm lạm phát mà không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng quá nhanh.
Giới quan chức điều hành, trong đó có cả Chủ tịch Fed Jerome Powell, không vội vã tuyên bố chiến thắng lạm phát. Họ chỉ ra những trường hợp trong quá khứ khi Fed tin rằng nếu áp lực lạm phát giảm xuống thì ngay lập tức giá tiêu dùng sẽ tăng trở lại và cao hơn trước. Một số quan chức cũng tỏ ra thận trọng, bởi ngay cả khi đã giảm nhiệt thì lạm phát vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2%.
“Xét đến những vết sẹo do lạm phát tăng đột biến để lại, việc tuyên bố kết thúc chu kỳ thắt chặt chẳng thu được gì nhiều, nhưng có thể sẽ lại mất rất lớn. Thực tế là rất có thể Fed đã thực hiện xong phần việc tăng lãi suất”, ông Daleep Singh, cựu Giám đốc điều hành Fed chi nhánh New York, hiện là Giám đốc kinh tế toàn cầu tại PGIM Fix, nhận định.
Các quan chức khác tại Fed đã ca ngợi những bước tiến lớn gần đây trong kiểm soát lạm phát mà không làm tăng nhanh tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng năm nay đang đi đúng hướng và đạt mức giảm hàng năm lớn nhất trong thời bình. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago ông Austan Goolsbee, trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, đã nói rằng: “Chúng ta có thể đã giảm lạm phát nhanh nhất có thể và chúng ta đã làm điều đó mà không gây ra suy thoái kinh tế”.
Quả thực, báo cáo lạm phát tháng 10 sẽ làm hài lòng nhiều quan chức. Một số người gần đây đã hạ thấp lo ngại về việc chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ có thể sẽ tạo ra xu thế “lạm phát lỳ lợm” trong thời gian dài. Những quan chức này cảnh báo không nên phản ứng thái quá trước sự tăng trưởng mạnh mẽ và cho rằng quyết định chính sách của Fed nên được định hướng theo diễn biến của lạm phát.
Giới phân tích cho biết dữ liệu mới nhất cũng làm giảm khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vào đầu năm tới. Thay vì tập trung vào việc có nên tăng lãi suất hay không, tranh luận tại cuộc họp tới đây của Fed có thể ưu tiên việc có nên sửa đổi định hướng chính sách trong tuyên bố sau cuộc họp hay không và nếu có thì việc sửa đổi cần thực hiện ra sao để phản ánh những bước tiến gần đây về lạm phát cũng như triển vọng mờ nhạt về việc có thêm đợt tăng lãi suất.
Liệu Fed có thể duy trì mức giảm lạm phát không gây đau đớn này hay không phụ thuộc một phần vào cách thức nền kinh tế Mỹ thích ứng trước loạt tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo người Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu khi tác động của việc Fed tăng lãi suất tiếp tục lan rộng đến nền kinh tế. Những tác động này bao gồm sự suy giảm dự kiến của việc làm và tăng trưởng tiền lương - yếu tố có thể làm giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Mỹ.