Trong năm nay, Fed còn 2 cuộc họp chính sách vào đầu tháng 11 và giữa tháng 12. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường cho rằng, Fed sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào vào cuộc họp tháng 11/2016 - thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ của bà Hilary Clinton và ông Donald Trump.
Giới đầu tư kỳ vọng USD tiếp tục hồi phục so với một số đồng tiền chủ chốt khi thiếu vắng các thông tin kinh tế và trong bối cảnh giới đầu tư đang lưỡng lự trước triển vọng lãi suất của Fed trong năm nay. Nhưng điều này được cho là sẽ không gây sức ép lớn lên tỷ giá VND, bởi theo các chuyên gia, có một số yếu tố có thể lý giải cho diễn biến này. Trước đó, khi lãi suất VND cao, các ngân hàng duy trì trạng thái ngoại tệ âm (vì nắm giữ VND có lợi hơn). Nhưng hiện tại, lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn có xu hướng giảm, nên các ngân hàng có thể tăng mua USD vào thời điểm này để cân bằng trạng thái ngoại tệ.
. |
Mặt khác, nhìn lại việc điều hành và diễn biến tỷ giá trong nước thời gian qua, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright ghi nhận sự ổn định và đánh giá cao hoạt động điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt với cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế điều hành tỷ giá này là bước đi tích cực, tiến sát với định hướng thị trường.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chính sách tỷ giá trung tâm đã cho thấy những thành công bước đầu và tỷ giá khá ổn định trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, tỷ giá ổn định khiến mức độ găm giữ ngoại tệ, kỳ vọng tỷ giá tăng lên đã giảm đáng kể, đặc biệt khi lãi suất huy động USD đưa về 0%. Những người gửi tiết kiệm ngoại tệ trước đây đã chuyển hướng sang VND. Điều này được chứng minh qua số liệu tiền gửi ngoại tệ tại khu vực TP.HCM giảm 2% tính đến đầu tháng 8/2016.
Đánh giá ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất lên tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam, TS. Lực cho rằng, tác động sẽ không quá lớn, vì các nhà đầu tư đã lường đón khả năng Fed tăng lãi suất 1 - 2 lần trong năm nay. Điều này có nghĩa, tỷ giá USD đã được phản ánh một phần từ khả năng tăng lãi suất của Fed. Trường hợp khi Fed quyết định tăng lãi suất, nếu được đưa ra, thì sẽ không còn tác động mạnh như những năm trước.
Đề cập khả năng chịu áp lực từ các động thái chính sách tiền tệ trên thị trường thế giới, nhất là khi các dự báo đưa ra khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2016, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, về lý thuyết, thị trường ngoại hối trong nước có thể phải chịu các áp lực từ bên ngoài, như việc Fed tăng lãi suất, hay Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ…, nhưng tác động sẽ không lớn. Lý do là, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến chuyển dịch dòng vốn, song sự chuyển dịch này sẽ không lớn, không áp lực như trong năm ngoái.
Hơn nữa, Fed tăng lãi suất thì chưa chắc USD tăng giá mạnh hay nhân dân tệ sẽ giảm giá mạnh. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, tình hình sẽ vẫn ổn khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cam kết ổn định tỷ giá. Tỷ giá ngoại tệ niêm yết tại các ngân hàng thương mại trong ngày cuối tháng 9/2016 ổn định ở mức 22.265 – 22.335 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Trên thị trường quốc tế, trong các phiên cuối tháng 9 vừa qua, USD giao dịch với biên độ hẹp so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Số liệu đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ công bố trong những phiên gần đây cao hơn dự báo đã phát đi tín hiệu khả quan cho đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed trong ngày 29/9 đã làm chững lại đà tăng của USD, khi không đề cập khả năng nâng lãi suất. Trong khi đó, bà Yellen cho biết, bà rất hài lòng với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, song tăng trưởng kinh tế Mỹ lại gây thất vọng, năng suất sản xuất có phần chậm lại kèm theo mức lạm phát thấp, nên đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định tăng lãi suất của Fed.