Có nhiều lý do về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất đồng USD, nhưng xuất phát từ 3 lý do chủ yếu.
Thứ nhất, kinh tế Mỹ sáng sủa, có dấu hiệu phục hồi đà tăng trưởng.
Thứ hai, lạm phát của Mỹ không còn quá thấp như thời gian qua, mà đang tiến tới mục tiêu 2%. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức dưới 5%, bằng với mức trước khủng hoảng.
. |
Thứ ba, nếu thời gian trước còn e ngại hậu Brexit, thì nay diễn biến tình hình không còn cản trở lớn đến lộ trình tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD (được bắt đầu từ tháng 12/2015), giảm dần sự nới lỏng chính sách tiền tệ...
Sau tuyên bố của Fed về khả năng nâng lãi suất cơ bản đồng USD, Chỉ số USD-Index đã tăng từ 94,246 lên 95,525; nhiều đồng tiền trên thế giới như yên Nhật, đô-la Australia, đô-la Singapore giảm giá.
Giá USD ở Việt cũng biến động nhẹ. Theo thống kê, sau khi tăng cao trong 3 năm (từ năm 2008 đến năm 2010), giá USD ở Việt Nam đã tăng thấp, thậm chí còn giảm nhẹ trong 4 năm tiếp theo; tăng mạnh vào cuối năm 2015, nhưng 8 tháng đầu năm 2016 lại giảm.
Giá USD trong 8 tháng đầu năm 2016 giảm do các yếu tố như Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm trong mấy tháng qua; lượng ngoại tệ vào Việt Nam tăng từ các nguồn như FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ USD, tăng gần 9%; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tính đến cuối tháng 8 đạt gần 20 tỷ USD, tăng trên 29% so với cuối tháng 12/2015; chi tiêu của khách quốc tế ước tăng 19%… Ngoài ra còn có một yếu tố quan trọng là sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Vào trung tuần tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành điều chỉnh kép (vừa tăng tỷ giá, vừa mở rộng biên độ giao dịch) để ứng phó với sự phá giá mạnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và dự phòng việc nâng lãi suất đồng USD của Fed. Động thái này tuy có làm tốc độ tăng giá USD năm 2015 lên khá cao, nhưng đã có tác dụng “vượt trước ngăn chặn”. Sự điều chỉnh “vượt trước ngăn chặn” này, cùng với những biện pháp khác (như áp dụng lãi suất gửi USD bằng 0, lãi suất huy động VND tiếp tục đạt thực dương...) và lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn tiếp tục tăng lên, đạt quy mô khá, nên đã góp phần làm cho giá USD trong 8 tháng đầu năm giảm.
Giá tiêu dùng, giá vàng, giá USD 8 tháng theo công bố của Tổng cục Thống kê là tính toán theo chu kỳ đến ngày 15/8. Từ nửa cuối tháng 8 đến nay, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch mua/bán của các ngân hàng thương mại đã tăng lên so với những tháng trước đó. Đây cũng là bước tiếp theo của sự chủ động “vượt trước ngăn chặn” của Ngân hàng Nhà nước để ứng phó với khả năng tăng lãi suất USD của Fed. Mặc dù giá USD từ nay đến cuối năm được dự đoán tăng, nhưng không tăng đột biến, tính chung cả năm chỉ tăng khoảng 1%.
Tốc độ tăng tỷ giá USD tính chung cả năm 2016 vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2015 và đó là một thành công của việc điều hành tỷ giá. Nguyên nhân chủ yếu là cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng đầu năm vẫn còn thặng dư trên 2,45 tỷ USD, dự báo cả năm có thể không nhập siêu, nếu có nhập siêu thì cũng sẽ rất ít, không lớn như chỉ tiêu kế hoạch cả năm (chiếm 5% kim ngạch xuất khẩu, tính ra mức nhập siêu tuyệt đối lên đến trên 8,2 tỷ USD). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cả năm sẽ vượt qua con số 14,5 tỷ USD của năm 2015. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam có khả năng tăng so với năm trước, trên 1 tỷ USD... Hơn nữa, với lượng dự trữ quốc tế đạt kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Theo đó, có thể yên tâm với tỷ giá.