Ngân hàng - Bảo hiểm
Fed thay chủ tịch, USD có suy yếu?
Lê Phan - 28/11/2017 16:24
Hồi đầu tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Jerome Powell lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay bà Jane Yellen kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018.

Đô la Mỹ yếu, dầu, vàng, chứng khoán tăng

Ông Jerome Powell được biết đến là người theo quan điểm "bồ câu" và có xu hướng lựa chọn chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế. Trong các cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trước đây về việc tăng lãi suất, ông luôn thể hiện rõ quan điểm phải có lộ trình từ từ và đều đặn.

Đối với việc thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed, Jerome Powell cũng cho rằng nên thực hiện từ từ, với việc tăng dần giới hạn giảm mức độ nắm giữ chứng khoán hằng tháng của Fed. Trong một bài trả lời phỏng vấn của CNBC vào tháng 6, ông nói: "Tôi khó hình dung bảng cân đối tài sản ở mức thấp hơn 2.500 tỷ USD, nó nên trong khoảng từ 2.500 đến 3.000 tỷ USD".

Với quan điểm thiên về nới lỏng tiền tệ, ông Jerome Powel rõ ràng phù hợp với định hướng của Tổng thống Donald Trump, do đó nhiều chuyên gia cho rằng đây là nguyên nhân ông Trump đã chọn Powell, dù ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của Fed trong 30 năm qua không có bằng tiến sĩ kinh tế.

Điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách của ông Jerome Powel và bà Yellen là về việc quản lý các ngân hàng hiện nay. Trong khi bà Yellen cho rằng nếu dỡ bỏ các điều luật được áp đặt lên các ngân hàng sau khủng hoảng sẽ là hành động gây ra nhiều mối nguy, thì ngược lại Powell tin rằng vai trò của Fed là "giám sát chứ không phải quản lý".

Quan điểm này của ông cũng phù hợp với Tổng thống Trump khi ông Trump cho rằng đạo luật Dodd-Frank dùng để quản lý các ngân hàng là một thảm họa. Rõ ràng là với Powell ở ghế Chủ tịch Fed, cách tiếp cận của Fed đối với đạo luật này sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Với biến động về mặt nhân sự cùng với khả năng chính sách tiền tệ của Mỹ có thể nới lỏng trở lại, thị trường tài chính đã có những diễn biến đáng chú ý khi đồng USD giảm mạnh từ đầu tháng 11 đến nay. Cụ thể, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng USD đã giảm từ 95 điểm hồi đầu tháng này về vùng 92,5 điểm hiện nay.

Trong khi đó, giá vàng lẫn giá dầu tiếp tục đà tăng trước sự suy yếu của đồng bạc xanh và các chỉ số chứng khoán cũng tiếp tục đi lên, đáng chú ý là chỉ số Dow Jones tăng 60 điểm chỉ trong 30 phút sau khi Tổng thống Donald Trump công bố quyết định bổ nhiệm ông Jerome Powel.

Vẫn không loại trừ bất ngờ

Trước mắt, ông Jerome Powell có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của bà Yellen với định hướng tăng từ từ lãi suất cơ bản đồng USD cùng với lộ trình thu hẹp bảng cân đối tài sản của Fed. Một thống kê gần đây cho thấy, phần đông các chuyên gia được hỏi đều nhận định ông Powell sẽ tiếp bước chính sách của bà Yellen.

Sau công bố quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Trump, ông Powell phát biểu rằng, với thời điểm hiện tại thì vẫn cần phải nâng lãi suất để đảm bảo kinh tế phát triển chắc chắn và ổn định, và do đó hiện tại ông vẫn ủng hộ việc Fed nâng lãi suất trong tháng 12 tới. "Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện dần dần, chừng nào mà nền kinh tế Mỹ vẫn tiến triển như mong đợi", ông Powell nói trong một bài phát biểu ngày 12/10 vừa qua.

Trong nhiệm kỳ của Janet Yellen, thị trường chứng khoán Mỹ leo dốc không ngừng nghỉ, dù bà Yellen theo đuổi chính sách thắt chặt với 4 lần nâng lãi suất và cũng khởi đầu lộ trình cắt giảm số dư 4.500 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán. Nay với việc ông Powell - một người có khuynh hướng theo đuổi nới lỏng tiền tệ được đề cử, hầu hết đều tin rằng các thị trường tài sản sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

Tuy nhiên không loại trừ những bất ngờ ngược với mọi mong đợi. Điều gì sẽ xảy ra nếu Powell phá vỡ chính sách tăng dần lãi suất như hiện nay mà thay vào đó còn tăng với tốc độ nhanh hơn, nếu như lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới? Trong 35 năm qua, Fed đã không phải lo lắng về lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng gần như gia tăng không đáng kể, từ khi người tiền nhiệm là Volcker đã sử dụng hàng loạt chính sách hạ nhiệt và kiềm chế trong thời điểm lạm phát phi mã của Mỹ vào thập niên 1980.

Nếu lãi suất bất ngờ tăng nhanh, rõ ràng các thị trường tài sản có thể đảo chiều, trong khi đồng USD được hỗ trợ theo xu hướng phục hồi. Thị trường tài chính quốc tế vốn nhiều biến động và bất ngờ, với sự ảnh hưởng không chỉ từ các biến số kinh tế mà còn bị tác động bởi các yếu tố địa - chính trị thì chính sách của tân Chủ tich Fed trái với mọi dự báo vẫn có thể xảy ra.

Tin liên quan
Tin khác