UBND tỉnh Trà Vinh vừa có Kế hoạch 37/KH-BTC về tổ chức “Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024” sẽ diễn ra từ 25 - 31/8/2024.
Nhiều hoạt động chính sẽ diễn ra dịp này, bao gồm: Hội thảo về cây dừa sáp, trưng bày trái cây ngon, Hội thi có xác lập kỷ lục chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp, tọa dàm “du lịch Cầu Kè - tiềm năng ven sông Hậu”, Hội chợ thương mại, không gian ẩm thực, Liên hoan lân sư rồng, trưng bày hình ảnh văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, các hoạt động văn hóa tín ngưỡng thờ Ông Bổn và các hoạt động thể thao, trò chơi văn hóa dân gian…
Lễ khai mạc Festival sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 25/8/2024 tại quảng trường huyện Cầu kè, tỉnh Trà Vinh.
Ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban tổ chức Festival triển khai Kế hoạc tổ chức festival đến các ngành chức năng và địa phương tỉnh Trà Vinh |
Ông Lê Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức “Festival 100 năm Dừa sáp trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024” cho biết, đây là cơ hội rất thuận lợi để tỉnh Trà Vinh quảng bá thương hiệu đặc sản cây dừa sáp Trà Vinh, đa dạng hóa các sản phẩm OCOP, vừa phát huy nguồn lợi kinh tế, vừa gắn kết các giá trị văn hóa, tín ngưỡng địa phương, tạo dựng hình ảnh góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà thêm khởi sắc.
Theo kế hoạch, ban tổ chức đã phân công cụ thể từng đơn vị sở, ban ngành và địa phương lên phương án tổ chức, chuẩn bị chu đáo, góp phần quảng bá các giá trị kinh tế văn hóa địa phương, kỳ vọng tạo ấn ượng đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước khi đến với Lễ hội.
Dừa sáp hay còn gọi là dừa đặc ruột, mang hương vị đặc trưng riêng khi nhắc đến dừa sáp Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng, là một trái cây đặc sản của vùng đất tỉnh Trà Vinh đã có mặt cách đây hơn 100 năm.
Ngày nay, trái dừa sáp đã mang lại nguồn thu nhập bền vững, giúp cho người dân vươn lên giảm nghèo, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer. Trà Vinh là tỉnh đặc biệt có giống dừa sáp phát triển mạnh nhất cả nước, với diện tích hiện 722,5 ha, tập trung nhiều ở hai huyện Cầu Kè và Châu Thành. Do giá dừa sáp luôn ở mức cao nên có vai trò quan trọng trong việc cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân địa phương.
Giá trái dừa sáp tại vườn bình quân từ 80.000 - 150.000 đồng/trái, có thời điểm lên đến 160.000 - 170.000 đồng/trái vào các mùa lễ hội, cao gấp 10 - 20 lần so với trái dừa ta, dừa dâu. Với đặc tính cơm đặc sệt, độ dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm đặc trưng hơn nên dừa sáp được dùng để chế biến thực phẩm (kem, bánh, kẹo), nước giải khát và mỹ phẩm, cho hiệu quả kinh tế gấp 10 - 20 lần cây dừa thường.