Theo VSA, 5 năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 18 triệu tấn thép vụn. |
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan, kiến nghị tiếp tục được xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn, đảm bảo điều kiện môi trường làm nguyên liệu sản xuất.
Theo VSA, hiện nay trên thế giới có 2 loại nguyên liệu chính để sản xuất thép là quặng sắt và sắt thép vụn. Năm 2017, thế giới đã sử dụng 2.075,7 triêu tấn quặng sắt và khoảng 650 triệu tấn thép phế liệu để sản xuất ra 1.689 triệu tấn thép.
Đối với công nghệ lò điện, sắt thép vụn chiếm 100% đầu vào của nhà máy, còn đối với công nghệ lò cao lò chuyển, thép phế liệu và vảy cán chiếm khoảng 30% tổng nguyên liệu đầu vào. Sắt thép vụn cũng được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào với dự báo nguồn cung sẽ đạt khoảng 1 tỷ tấn vào năm 2030 và 1,3 tỷ tấn vào năm 2050.
Tại Việt Nam, VSA cho hay sản lượng sản phẩm phôi thép được sản xuất bằng công nghệ lò điện sử dụng sắt thép vụn làm nguyên liệu đã tăng mạnh trong giai đoạn 2013 – 2017, từ 4,9 nghìn tấn lên 7,4 nghìn tấn.
Do nguồn cung cấp sắt thép vụn thu gom ở trong nước mới chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu cho sản xuất, nên Việt Nam sẽ sử dụng khoảng 60% nguyên liệu sắt thép vụn từ nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thép.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013 – 2017, nhu cầu sắt thép vụn đã tăng mạnh từ 5,6 nghìn tấn lên 9.000 tấn. Trong đó, thu mua trong nước tăng từ 2,3 nghìn tấn lên 4,4 nghìn tấn; nhập khẩu tăng từ 3,2 nghìn tấn lên 4,6 nghìn tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội, 5 năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 18 triệu tấn thép vụn. Dự báo nhu cầu nhập khẩu sắt thép vụn sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, lần lượt là 5,7 nghìn tấn (2018), 6,4 nghìn tấn (2019), 6,7 nghìn tấn (2020).
VSA đánh giá việc sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường do chỉ phát thải khí nhà kính bằng 1/5 so với công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt. Ví dụ với sản lượng ước đạt 7,5 triệu tấn phôi thép bằng công nghệ lò điện năm 2018, Việt Nam sẽ tiết kiệm gần 13 triệu tấn quặng sắt, 2,51 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), giảm 14 triệu tấn CO2 so với sản xuất bằng công nghệ lò cao.
“Hơn nữa, việc sử dụng thép phế liệu để sản xuất thép còn tiết kiệm được tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững, suất đầu tư thấp, tính linh hoạt trong sản xuất cao”, VSA nhấn mạnh.
Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn để làm nguyên liệu sản xuất phục vụ cho các nhà máy thép đang hoạt động và sẽ đi vào hoạt động.
Sắt thép vụn được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào và dự báo tăng khoảng 1 tỷ tấn vào năm 2030 và tăng thêm 1,3 tỷ tấn đến năm 2050.
Căn cứ vào năng lực sản xuất của các nhà máy, Hiệp hội dự báo, Việt Nam cần khoảng 31,6 triệu tấn sắt thép vụn giai đoạn 2018 – 2020, trong đó nhập khẩu chiếm gần 19 triệu tấn.
Theo đó , VSA đề nghị, xây dựng và ban hành các chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, gây tác động không tốt với môi trường, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngoài ra, VSA cho rằng, cần áp dụng hình quản lý rủi ro để phân luồng các doanh nghiệp để tạo điều kiện các doanh nghiệp sử dụng sắt thép vụn nhập khẩu có đủ nguyên liệu thường xuyên, ổn định phục vụ sản xuất thép.
Kiến nghị của VSA được đưa ra, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu Hiệp hội báo cáo và cung cấp thông tin về nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất phát từ tình trạng hàng nghìn container phế liệu bị ùn ứ tại cảng gây ách tắc kéo dài.
Theo thống kê, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container. Trên địa bàn Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.