Sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ, tiện ích số cho miếng bánh thị trường ngày một lớn.
Trong 1 triệu người dùng Ví trả sau trên MoMo (sản phẩm tín dụng tiêu dùng hợp tác với TPBank), có đến 70% chưa có lịch sử tín dụng trước khi tiếp cận sản phẩm này. Ảnh: MoMo |
Theo báo cáo mới nhất về nền kinh tế số của Google, Temasek, Bain & Company, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, Đông Nam Á đã có thêm 60 triệu người dùng kỹ thuật số mới, tương đương gần 1/5 con số trước đại dịch. Báo cáo cũng đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng lớn thứ hai trong khu vực (sau Indonesia) để phát triển dịch vụ tài chính số, đặc biệt là tín dụng số.
Giới chuyên môn nhìn nhận, hệ sinh thái tài chính số Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển “bùng nổ” của phân khúc dịch vụ thanh toán số, trong khi các mảng dịch vụ khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Thực tế, các dịch vụ tài chính số đã xuất hiện từ cách đây nhiều năm và đang ngày càng phổ biến trong đời sống, một phần nhờ sự xuất hiện của fintech.
Đại diện MoMo - được ví như “anh cả” trong làng fintech Việt - cho biết, sau 4 năm ra mắt, nhóm sản phẩm dịch vụ tài chính - bảo hiểm đã có hơn 10 triệu người sử dụng dịch vụ (trong tổng số hơn 31 triệu người dùng MoMo), trong đó, 60% người dùng sử dụng từ 2 dịch vụ trở lên đều đặn hằng tháng. Trong chiến lược phát triển, nền tảng này theo đuổi mục tiêu mọi người dùng MoMo đều sử dụng ít nhất một dịch vụ tài chính - bảo hiểm, trong tầm nhìn trở thành siêu ứng dụng đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống người dân Việt.
Thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của mô hình số hóa các dịch vụ tài chính truyền thống cùng với tác động của dịch Covid-19 đã là chất xúc tác cho mô hình mới, sản phẩm mới ra đời, dựa trên hợp tác với các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm...) như cho vay trên nền tảng số, mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến, đầu tư tích lũy trực tuyến...
Báo cáo “Covid-19 đã thay đổi tài chính cá nhân ở Việt Nam” (How Covid-19 changed personal finance in Vietnam) do YouGov công bố tháng 11/2021 đã chỉ ra rằng, hơn 2/3 người Việt có kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn trong năm 2022 và 60% người Việt đang sở hữu một số sản phẩm đầu tư. Báo cáo cũng nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư và sự tương đồng của Việt Nam với xu hướng tài chính toàn cầu.
MoMo cho biết, tính đến cuối năm 2021, ngay trên nền tảng của siêu ứng dụng này đã có 4 triệu người tiếp cận khoản vay tiêu dùng, 3 triệu người dùng mua các sản phẩm bảo hiểm và hơn 4 triệu người dùng sử dụng các dịch vụ đầu tư tích lũy. Tốc độ tăng trưởng của nhóm dịch vụ tài chính - bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu trong các nhóm dịch vụ mà MoMo đang cung cấp, bình quân tăng 3 - 5 lần mỗi năm.
Sự phát triển của MoMo tài chính - bảo hiểm cũng được ví như một cuộc cách mạng thay đổi thói quen tài chính cho hàng chục triệu người Việt. Đại diện MoMo chia sẻ, 2 năm đầu, việc phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân trên nền tảng thực sự khó khăn bởi thói quen và tâm lý e ngại của người dùng. Tuy nhiên, sự kiên định của MoMo cùng với “chất xúc tác” đại dịch đã thúc đẩy những chuyển biến trong hành vi sử dụng thanh toán di động và các dịch vụ tài chính số của người Việt.