Theo ông Đặng Tất Thắng, hiện nay, FLC đang tìm địa điểm để đầu tư xây dựng chuỗi 6-8 sân gofl (chợ sân golf). Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều có một vài sân golf, nhưng mô hình này rất khó cạnh tranh. Trong khi đó, mô hình “chợ sân golf” hoàn toàn chưa có, tại châu Á mới chỉ có một mô hình tương tự ở Trung Quốc. Với mô hình này, du khách có thể lưu trú liên tục lên tới vài tuần để chơi golf, đồng thời có thể biến chợ sân golf này thành nơi tổ chức các giải golf của khu vực và thế giới.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, FLC chưa tìm được địa điểm có diện tích đủ rộng để xây dựng chuỗi sân golf, vì vậy, nếu UBND tỉnh Quảng Bình thu xếp được địa điểm hợp lý, tập đoàn sẽ đi khảo sát. Nếu dự án được triển khai, chắc chắn sẽ giúp Quảng Bình thu hút được nhiều khách du lịch. Được biết, hiện ý tưởng xây dựng “chợ sân golf” của FLC cũng đang được lãnh đạo tỉnh Bình Định quan tâm.
Trước đề nghị của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã xin ý kiến Chính phủ quy hoạch sân golf ở Đồng Hới và Bảo Ninh. Nếu FLC có mong muốn, tỉnh có thể tổ chức xây dựng cụm 7-8 sân golf ở Lệ Thủy hoặc Bố Trạch. “Nếu FLC quan tâm, tỉnh rất hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện về dịa điểm”, ông Nguyễn Hữu Hoài khẳng định.
Liên quan đến ý tưởng này của FLC, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh, DN tư nhân lớn nhất Quảng Bình chia sẻ, nếu xây dựng sân golf thì Quảng Bình không lo thiếu đất, thậm chí 10-20 sân golf vẫn có đất. Vấn đề là tỉnh phải nỗ lực tạo điều kiện thông thoáng hết sức cho nhà đầu tư hoạt động.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV- đơn vị tư vấn xúc tiến đầu tư cho tỉnh Quảng Bình – nhận định, tâm lý của nhà đầu tư là muốn chiến thắng chính mình, vì vậy, xây dựng một chuỗi sân golf sẽ có sức hấp dẫn lớn tới các golf thủ.
Được biết, BIDV đang kết nối đầu tư, đưa một số nhà đầu tư lớn vào Quảng Bình như Vingroup, Sun Group, FLC… Những tập đoàn này được kỳ vọng sẽ tạo nên những dự án trọng điểm tại Quảng Bình.