Mở đầu bài phân tích chuyên sâu vừa đăng tải, Forbes đặt ra vấn đề: Ngày nay mọi người đều đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng khi nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Câu hỏi là các công ty tăng trưởng cao sẽ lựa chọn niêm yết ở đâu khi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, vẫn đang nỗ lực tìm lại chỗ đứng? Câu trả lời chỉ ra rằng Đông Nam Á là điểm đến tiếp theo cho các công ty mới nổi đến từ châu Á.
Khu trưng bày mô hình xe VinFast tại triển lãm “VinFast – Vì tương lai xanh”. Ảnh: Getty |
Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore, Việt Nam và Indonesia, sẵn sàng trở thành những cường quốc kinh tế trong thập kỷ tới. Dân số trẻ và môi trường thân thiện với doanh nghiệp đang tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các công ty sáng tạo sẵn sàng vươn ra thế giới. NASDAQ có thể là một con đường khả thi cho nhiều Công ty mới nổi (Emerging Growth Companies - EGC) trong hành trình phát triển trên phạm vi quốc tế.
Theo Forbes, Singapore đang trở thành một trung tâm tài chính của khu vực khi các doanh nghiệp tìm kiếm những lựa chọn khác bên ngoài Hồng Kông (Trung Quốc). Điểm mạnh của Singapore là lĩnh vực công nghệ đang phát triển và môi trường đầu tư tốt. Các doanh nghiệp lớn ở Singarpore cũng có bề dày kinh nghiệm quan hệ quốc tế, cùng với hệ thống pháp lý hiện đại và thông lệ kế toán chặt chẽ.
Cũng tại Đông Nam Á, Forbes đặc biệt nhắc tới Việt Nam. Sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, theo Forbes, cho thấy hình mẫu của Thung lũng Silicon của những năm trước. Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của VinFast, một nhà sản xuất ô tô có cơ sở sản xuất chính tại Hải Phòng là một ví dụ tiêu biểu. Trong khi công ty mẹ của VinFast - Vingroup là một cái tên nổi tiếng trong khu vực, thì việc mở rộng toàn cầu này đã đưa năng lực sản xuất xe điện tiên tiến của Việt Nam đến với khách hàng trên toàn thế giới trong thời gian kỷ lục.
VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market vào ngày 15/8. |
Chỉ trong vài năm, VinFast đã thành lập trụ sở chính ở Mỹ tại Los Angeles, đang xây dựng một nhà máy lớn ở Bắc Carolina dự kiến sản xuất 150.000 ô tô mỗi năm và đã mở các cửa hàng ở Pháp, Đức và Hà Lan.
Ngoài VinFast, Fobes cũng nhắc tới VNG - một doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam cũng đang có kế hoạch huy động vốn tại Mỹ trong thời gian tới.
Forbes phân tích, sự tăng trưởng vượt trội của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm lớn của chính giới. Tổng thống Joseph Biden mới đây đã đến thăm Hà Nội để thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác. Tại đây, Tổng thống Joe Biden đã tham dự hội đàm Việt Nam - Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới & Đầu tư cùng với các lãnh đạo cấp cao của các công ty Mỹ như Intel, Google, Boeing, và GlobalFoundries, cũng như các công ty Việt Nam.
Cũng tại các cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ đã đánh giá cao doanh nghiệp Việt, đặc biệt là sự hiện ý nghĩa của VinFast trên đất Mỹ. “Năm ngoái một công ty Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy tại tiểu bang Bắc Carolina của Hoa Kỳ. Nhà máy đã tạo ra 7.000 công ăn việc làm cho lao động của khu vực”, Tổng thống Joe Biden nói về VinFast.
Để kết thúc chuyến thăm, chính quyền Biden đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, bao gồm các thỏa thuận về nghiên cứu, đột phá công nghệ, chuỗi cung ứng bán dẫn và phát triển lực lượng lao động.
Bên cạnh Việt Nam, Forbes cũng nhắc tới Indonesia - một trung tâm khác của khu vực đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Lợi thế tại đất nước này là quy mô dân số hơn 270 triệu người, người dân ngày càng hiểu biết về công nghệ và cam kết hiện đại hóa kinh tế của Chính phủ. Tăng trưởng GDP của Indonesia dự kiến sẽ dao động ở mức gần 5% vào năm 2023 khi các nền kinh tế tiên tiến ở châu Âu và Mỹ đang chật vật vượt qua lạm phát và tăng trưởng chậm.
Các kỳ lân công nghệ đã niêm yết trên các sàn giao dịch của Indonesia. Năm 2022, gã khổng lồ thương mại điện tử GoTo đã huy động được 1,1 tỷ USD. PT Bukalapak.com đã huy động được 1,5 tỷ USD vào năm 2021. Thị trường thương mại điện tử của Indonesia được định giá 40 tỷ USD.
Như dự đoán, Đông Nam Á đang trở thành một đầu tàu kinh tế toàn cầu khác khi chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ và huy động vốn của doanh nghiệp đa dạng hóa sang các thị trường mới. Khi các công ty mới nổi đang tìm cách cách duy trì sự tăng trưởng, thị trường chứng khoán Mỹ được xem là lựa chọn hấp dẫn để tối ưu hóa mức định giá và thâm nhập sâu vào thị trường có tính thanh khoản lớn. Điều này có thể đạt được bằng cách niêm yết trực tiếp hoặc thông qua SPAC, giúp các công ty có con đường nhanh hơn để IPO tại Mỹ.