FPT đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuân hơn 18% |
Chi trả cổ tức năm 2019, tổng tỷ lệ 35%
CTCP FPT (mã FPT) dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 8/4 tới đây. Theo kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh thu năm 2020 của FPT mục tiêu là 32.450 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 5.510 tỷ đồng, tăng 18,1%. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng ở cả ba khối kinh doanh gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục, đầu tư. Trong đó, khối công nghệ dự kiến sẽ là mảng đóng góp nhiều nhất và là động lực lớn nhất vào tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 27,2%. FPT dự kiến đầu tư 4.710 tỷ đồng trong năm tới, hơn một nửa là đầu tư vào khối viễn thông (2.413 tỷ đồng).
Năm 2019, FPT hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra với mức vượt khá sát (4%-5%). So với năm 2018, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT lần lượt đạt 19,4% và 20,9%. Trong đó, thị trường nước ngoài đóng góp 41,3% doanh thu. Dịch vụ chuyển đổi số, mảng kinh doanh được FPT tập trung năm qua, ghi nhận mức tăng trưởng 35% và hiện đang đóng góp 20% trong doanh thu khối công nghệ thông tin.
Trong phương án phân chia lợi nhuận năm 2019, FPT trình cổ đông sẽ chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ 35% từ phần lợi nhuận giữ lại. Trong đó, công ty sẽ có 20% cổ tức bằng tiền mặt (đã chi trả 10% trong năm trước) và cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15:100. Dự kiến trong quý II/2020, FPT sẽ chi trả nốt phần cổ tức còn lại. Mức cổ tức năm 2020 dự kiến là 20%, tỷ lệ cuối cùng sẽ tùy thuộc tình hình kinh doanh và do ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 quyết định.
Thêm chương trình bán cổ phiếu cho thế hệ lãnh đạo kế cận: Hạn chế chuyển nhượng 10 năm, kèm nhiều điều kiện
FPT cũng sẽ trình chương trình phát hành cổ phiếu cho CBCNV (ESOP) ở kỳ họp này. Cụ thể, nhóm cán bộ chủ chốt (từ level 5 trở lên) và các đối tượng cầu hiền sẽ được phân phối cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, không được tự do chuyển nhượng trong vòng 3 năm đầu. Tổng tỷ lệ phát hành tối đa 0,5% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành. Các đợt phát hành sẽ được thực hiện trong ba đợt từ năm 2021 đến 2023, sau khi có báo cáo kiểm toán năm liền trước.
Bên cạnh đó, FPT cũng có thêm chương trình phát hành cổ phần cho cán bộ cao cấp thuộc thế hệ lãnh đạo kế tiếp, giai đoạn 2020-2025. Tỷ lệ phát hành tối đa 0,25% tại thời điểm phát hành, thời gian hạn chế chuyển nhượng lên đến 10 năm. Số lượng cổ phần phát hành thực tế sẽ dựa trên tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cổ đông công ty mẹ và tỷ lệ sinh lời của cổ đông dựa trên giá cổ phiếu (đã điều chỉnh trong trường hợp chia tách cổ phiếu, nhận cổ tức bằng tiền mặt). Trọng số đánh giá hai chỉ tiêu này lần lượt là 70% và 30%.
Hai năm qua, FPT đã nhiều lần luân chuyển lãnh đạo giữa các đơn vị thành viên, tập trung xây dựng đội ngũ kế cận. Đầu tháng 3/2019, ông Nguyễn Văn Khoa, một lãnh đạo '7x đời cuối', đã được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc. Trước đó, ông đã luân chuyển từ vị trí điều hành FPT Telecom sang đảm nhận vai trò tổng giám đốc FPT IS hồi đầu năm 2018. Mới đây nhất, ông Hoàng Trung Kiên vừa được bầu vào vị trí tổng giám đốc của FPT Retail. Trước đó, ông đã có thời gian giữ vị trí phó tổng giám đốc tại FPT IS, FPT Telecom và cũng tham gia hội đồng quản trị của FPT Retail từ năm 2018.