TIN LIÊN QUAN | |
FTA Việt Nam - EU giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư | |
“Không có rủi ro thì không có lợi nhuận” | |
Không có sự chồng lấn giữa các FTA | |
Thách thức từ các FTA thế hệ mới |
Được biết, phiên bản tiếng Anh của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được công bố, đồng thời văn bản này cũng sẽ được dịch ra tiếng Hàn và Tiếng Việt trước khi hai bên ký chính thức, dự kiến là trong quý II/2015.
Đây là động thái tích cực sau khi hai bên thông báo kết thúc đàm phán FTA song phương vào cuối năm 2014.
Dệt may là mặt hàng có kim ngạchu xuất khẩu cao sang Hàn Quốc, với 2,4 tỷ USD năm 2014 |
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực để Hiệp định được chính thức ký kết trong vòng 6 tháng đầu năm nay và trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Việt Nam và Hàn Quốc chính thức khởi động đàm phán FTA song phương phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cải thiện các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc vào tháng 8/2012.
Bộ Thương mại Hàn Quốc nhận định, FTA Việt Nam - Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, phụ tùng ôtô, mỹ phẩm và điện tử.
Những năm qua, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm đầu về số lượng dự án và giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2014, vốn Hàn Quốc vẫn tiếp tục đổ vào các dự án đầu tư tại Việt Nam, thể hiện qua 505 dự án cấp mới và 179 dự án tăng vốn tại Việt Nam, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án của Hàn Quốc năm 2014 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống…
Lũy kế hết năm 2014, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 36,7 tỷ USD và 4.063 dự án đầu tư còn hiệu lực.
Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 50 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam năm 2013.
Hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 55 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 27,3 tỷ USD năm 2013, tăng 29,4% so với năm 2012, và đã vươt 30 tỷ USD vào cuối năm 2014.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.
Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng nông sản.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải...
Việt Nam và Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020.
Riêng năm 2014, Việt Nam có khoảng 40 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, với kim ngạch đạt 7,14 tỷ USD, tăng 7,7% so với 2013.
Trong đó, dệt may là nhóm hàng đạt kim ngạch cao nhất với 2,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc có hơn 550 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam.
Thế Hoàng