Trong lần điều chỉnh danh mục này, FTSE đã bổ sung cổ phiếu BID (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV), PDR (Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt) và TTF (Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành).
Trên sàn chứng khoán, động thái thay đổi danh mục của Quỹ ETF FTSE Vietnam luôn gây sự chú ý của giới đầu tư. Đây là một trong 2 quỹ đầu tư chỉ số (ETF) có quy mô lớn ở Việt Nam, được xây dựng đầu tiên bởi Deutsche Bank AG vào ngày 15/1/2008, với vốn ban đầu là 5,1 triệu USD. Quỹ ETF này mô phỏng FTSE Vietnam Index - một trong 2 chỉ số do FTSE Group xây dựng ngày 26/4/2007.
Tỷ trọng của cổ phiếu SSI sẽ tăng đáng kể trong lần điều chỉnh này của FTSE. Ảnh: Đức Thanh |
Quy mô Quỹ ETF FTSE Vietnam đến thời điểm trước khi bổ sung 3 cổ phiếu mới (BID, PDR, TTF) là 356 triệu USD và nắm giữ 16 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Sau khi bổ sung 3 cổ phiếu trên, danh mục cổ phiếu niêm yết trên HOSE do Quỹ ETF FTSE Vietnam nắm giữ là 19 cổ phiếu.
Chứng chỉ quỹ được niêm yết tại khoảng 10 sàn giao dịch, tập trung chủ yếu ở châu Âu và giao dịch nhiều tại Anh, Đức, Pháp, Italy, Hongkong, Singapore.
Việc đảo danh mục của FTSE Vietnam Index không phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, mà dựa trên vốn hóa, thanh khoản của cổ phiếu và “room” còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, một cổ phiếu sẽ bị loại khỏi danh mục nếu tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài có thể mua bán giảm xuống dưới 2%.
Theo thông lệ các đợt điều chỉnh danh mục trước đây, các tân binh của rổ chỉ số FTSE Vietnam sẽ tăng nhiệt là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi sau khi quyết định đưa các cổ phiếu trên vào rổ thì động thái tiếp theo của Quỹ ETF FTSE
Vietnam sẽ là mua thêm các cổ phiếu này để đạt tỷ trọng mục tiêu trong danh mục.
Trong lần điều chỉnh này, thời hạn để Quỹ ETF FTSE Vietnam chốt việc mua thêm để đạt tỷ trọng mục tiêu là ngày 18/9. Việc mua vào thường được quỹ thực hiện trong đợt ATC (khớp lệnh cuối cùng) của ngày giao dịch cuối cùng chốt danh mục để giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ gần sát nhất với thị trường tại ngày chốt danh mục.
Về tỷ trọng cụ thể của các cổ phiếu mới bổ sung, Quỹ ETF FTSE Vietnam sẽ mua BID với tỷ lệ 3,8% danh mục tổng (tương đương 13,9 triệu USD). BID sẽ là cổ phiếu có quy mô đứng thứ 10 trong số 19 cổ phiếu trong rổ ETF. Tương tự, Quỹ ETF FTSE Vietnam cũng sẽ mua PDR để đạt tỷ trọng 1,2% danh mục tổng, với số tiền tương ứng hơn 4,5 triệu USD; mua TTF để đạt tỷ trọng 1,1% danh mục tổng, với số tiền tương ứng 4 triệu USD.
Ngoài 3 tân binh được đưa vào danh mục, sóng có thể còn nổi lên đối với một số cựu binh trong danh mục FTSE
Vietnam, bởi lẽ, mặc dù vẫn duy trì trong danh mục, nhưng tỷ trọng của nhiều cổ phiếu sẽ được Quỹ ETF FTSE Vietnam điều chỉnh trong đợt tái cơ cấu lần này.
Theo đó, một trong những cổ phiếu đáng chú ý sẽ được tăng tỷ trọng đáng kể trong lần điều chỉnh này là SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Tỷ trọng của SSI sẽ được Quỹ ETF FTSE Vietnam điều chỉnh tăng từ 6,42% lên 9,1%, tương ứng với số tiền 9,8 triệu USD. Rõ ràng, động thái nới “room” của SSI đã bắt đầu có tác dụng. Với việc tăng “room” lên 100%, tỷ lệ cổ phần tự do chuyển nhượng đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh. Do đó, từ một cổ phiếu có nguy cơ bị Quỹ ETF FTSE Vietnam loại khỏi danh mục do chật “room” đối với khối ngoại, SSI đã thay đổi tình thế hoàn toàn với việc được FTSE Vietnam tăng tỷ trọng đáng kể trong danh mục.
Trái ngược với SSI, một số cổ phiếu khác lại bị Quỹ ETF FTSE Vietnam điều chỉnh giảm tỷ trọng trong danh mục. Trong đó, HPG (Tập đoàn Hòa Phát) được điều chỉnh giảm từ 12,14% xuống 11,1%, STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín) được điều chỉnh từ 6,35% xuống 5,5%, PVD (Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan
Dầu khí) được điều chỉnh giảm từ 6,65% xuống 5%, DPM (Đạm Phú Mỹ) giảm từ 5,17% xuống 4,5%, KBC (Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc) giảm từ 2,93% xuống 2,2%...