Xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga tiếp tục tăng. Ảnh: Oilprice.com |
Theo nguồn tin từ G7, nhóm này đã nhất trí về mức giá trần cố định và sẽ xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng sự ổn định của thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác trong G7 cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ thắt chặt nguồn thu của nước này mà không làm giảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Các nguồn tin cho biết thêm kế hoạch này cũng giúp các công ty bảo hiểm yên tâm thực hiện các hợp đồng mà không phải lo ngại về việc các nước mua dầu mỏ của Nga điều chỉnh giá, điều mà có thể khiến họ đối mặt với các biện pháp trừng phạt.
Trong những tuần gần đây, Mỹ và các nước khác trong G7 đã có các cuộc thảo luận căng thẳng về kế hoạch chưa từng thấy là đưa ra mức giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển qua đường biển của Nga, vốn dự kiến có hiệu lực từ ngày 5/12 tới. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trước đó, hồi đầu tháng 9, G7 đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, theo đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023. Việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moskva.