Lượng hàng thông quan tăng mạnh
Cụ thể, tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã có 23.011 phương tiện 2 nước xuất nhập cảnh, tăng 33,67% so cùng kỳ, trung bình đạt 159 phương tiện/ngày. Hàng hóa XNK đạt 387.398 tấn, tăng 19,09% so với cùng kỳ, bình quân đạt 2.672 tấn hàng hóa/ngày. Tại lối mở Km3+4 Hải Yên có 23.968 phương tiện chở 550.037 tấn hàng hóa, tăng 312% so với cùng kỳ, chủ yếu là hoa quả, bột sắn, hạt khô, thủy, hải sản,...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Quảng Ninh về thực hiện mục tiêu kép, tranh thủ thời cơ, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm, TP. Móng Cái đã quyết liệt thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực cửa khẩu, lối mở. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở.
Trung bình mỗi ngày có hơn 100 container hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Móng Cái. |
Để góp phần giúp nhân dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, thủy sản, từ tháng 5/2021 đến nay, TP. Móng Cái đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy hợp tác hiệu quả với thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) trong việc cải thiện môi trường XNK, đẩy nhanh tốc độ thông quan, tăng cường tuyên truyền về chính sách XNK của 2 nước, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nên lượng hàng hóa thông quan tăng mạnh.
Đặc biệt, từ ngày 10/6/2021 đến nay, một số địa phương trong nước đang vào vụ thu hoạch hoa quả, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đưa số lượng lớn hàng hoa quả (chủ đạo là mít, thanh long) đến Lối mở Km3+4 Hải Yên để làm thủ tục thông quan. Lượng hàng doanh nghiệp vận chuyển ra thành phố vượt quá khả năng thông quan, gây nguy cơ ùn tắc, ảnh hưởng đến chất lượng khi giao hàng.
Trước tình hình trên, ngày 11/6/2021, TP. Móng Cái và TP. Đông Hưng tổ chức hội đàm và 2 bên đã thống nhất một số giải pháp nhằm thúc đẩy thông quan; đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo quản hoa quả lạnh, điều phối, sắp xếp phương tiện vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp giải phóng hàng nhanh chóng.
Trước đó, để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc phương tiện, hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả xuất khẩu qua Lối mở Km3+4, UBND TP. Móng Cái ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Chỉ sau ít ngày triển khai (từ 16-19/4), Tổ công tác liên ngành đã nhanh chóng giải quyết 100% hàng tồn tại cảng ICD Thành Đạt, với hơn 250 container hàng hóa, không còn hàng tồn đọng, giúp cho doanh nghiệp, cư dân biên giới thông quan ngay khi xe vào Lối mở Km3+4 Hải Yên, không phải chờ như trước đây.
Kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, đến hết tháng 5, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh thu thuế xuất nhập khẩu mới chỉ được trên 4.000 tỷ đồng, đạt 31% chỉ tiêu thu cả năm, và giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính là do lượng than nhập khẩu giảm mạnh, dẫn đến hụt thu trên 1.000 tỷ đồng.
Một trong những Chị cục chịu ảnh hưởng từ việc giảm nguồn thu từ nhập khẩu than là Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cẩm Phả. Chi cục này được giao chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu là 5.200 tỷ đồng (chiếm 40% số thu toàn Cục), trong đó, than nhập khẩu chiếm trên 70% tổng nguồn thu. Tuy nhiên, đến hết tháng 5, số thu từ than nhập khẩu của Chi cục chỉ đạt trên 700 tỷ đồng (bằng 40% so với cùng kỳ, giảm trên 1.000 tỷ đồng so với kịch bản đề ra).
Theo đại diện của Tổng Công ty Đông Bắc, một trong những lý do khiến hoạt động nhập khẩu than giảm là một phần do lượng than tồn kho của doanh nghiệp sản xuất than trong nước còn lớn, nên các đơn vị đã phải điểu chỉnh kế hoạch nhập khẩu của mình. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc không nhập khẩu than để cân đối giữa lượng than sản xuất và lượng than tồn kho từ năm 2020.
Chiều ngày 4/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để tháo gỡ các khó khăn. |
Báo cáo của Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường tiêu thụ than giảm sút, riêng than cấp cho nhiệt điện giảm 2,4 triệu tấn so với cùng kỳ do EVN huy động điện từ nguồn điện gió, điện mặt trời. Mặt khác, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép, xăng dầu…, cùng với tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Trước thực trạng này, đầu tháng 4, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu than với hơn 30 doanh nghiệp ngoài TKV. Tiếp đó, ngày 4/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc về tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) 5 tháng đầu năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.