Dự án giảm nghèo đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 150.000 hộ dân thuộc 6 tỉnh miền núi phía Bắc. |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo ngày hội CIG kết hợp Tọa đàm Vai trò của phụ nữ tham gia giảm nghèo bền vững tổ chức hôm nay, 6/12, tại Hà Nội.
Triển khai từ năm 2010 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc với tổng vốn đầu tư 275 triệu USD, trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ là 250 triệu USD và vốn đối ứng 25 triệu USD từ ngân sách của Chính phủ đã thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2010-2015 và giai đoạn 2 từ 2015-2018 triển khai tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, những tỉnh có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước với trên 20 nhóm dân tộc thiểu số, đã cho kết quả khá khả quan.
Theo khảo sát mới nhất của Dự án, khoảng 60% số nhóm đã duy trì hoạt động đến chu kỳ sản xuất thứ 4 trở lên; trên 85% số nhóm có sự gia tăng về sinh kế, trong đó, gần 50% nhóm cho thu nhập gia tăng từ 50 triệu đồng trở lên.
Đáng chú ý, trong số gần 12.000 nhóm CIG đã có 11 nhóm phát triển thành hợp tác xã đa ngành và 121 nhóm phát triển thành tổ hợp tác.
Lý giải số hợp tác xã và tổ hợp tác phát triển khá ít so với tổng số 12.000 nhóm CIG, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó giám đốc Ban điều phối dự án Trung ương, chuyên viên chính Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Mô hình hoạt động nhóm sản xuất là rất mới với các tỉnh miền núi phía Bắc đi cùng trình độ giữa các nhóm không đồng đều nên chúng tôi cũng không đặt mục tiêu hình thành hợp tác xã, chỉ trong quá trình làm việc, nhóm hội tụ đủ điều kiện sẵn sàng phát triển ở mô hình cao hơn là tổ hợp tác hoặc hợp tác xã thì chúng tôi mới hỗ trợ hoàn thành thủ tục. Tuy nhiên, các tổ hợp tác và hợp tác xã sẽ là những mô hình phát triển bền vững ngay cả khi dự án kết thúc”.
Bà Nghĩa cũng cho biết, sau khi dự án này kết thúc, phía WB cũng sẽ không thực hiện hỗ trợ cho các nhóm riêng lẻ như dự án này nhưng mô hình nhóm CIG đã được nhiều địa phương đưa vào áp dụng tại các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ như chương trình 135, 30A.
Theo bà Nghĩa, dự án ngoài cấu phần hỗ trợ hình thành các nhóm CIG cao hơn là các tổ hợp tác, hợp tác xã thì cấu phần thứ 2 của dự án là nghiên cứu tiềm năng của các tỉnh được dự án hỗ trợ sau đó mời gọi sự tham gia của doanh nghiệp.
Đến nay, dự án đã triển khai được 130 liên kết với sự tham gia của 70 doanh nghiệp đi cùng việc hình thành một số vùng chuyên canh như vùng mía ở Hòa Bình, đương quy ở Lào Cai hay những vùng trồng dong giềng, chanh leo….
“Các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc thù là khí hậu khắc nghiệt đi kèm đường xá không thuận lợi nên doanh nghiệp cũng cân nhắc khá nhiều về mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, từ 130 liên kết này, chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp sẽ biết tới nhiều hơn tiềm năng của các tỉnh miền núi phía Bắc để tham gia vào chuỗi cung ứng, gia tăng quy mô sản xuất ở các tỉnh này”, bà Nghĩa nói.
Chia sẻ về lợi ích dự án mang lại, bà Nông Thị Luận, Tổ trưởng tổ hợp tác Kinh doanh thức ăn gia súc và bán hàng Nông Sản tại Bản Xã, xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái dẫn chứng qua những con số ngày càng phát triển.
“Nhóm CIG của chúng tôi hình thành từ tháng 5/2013 với 10 thành viên và vốn ban đầu dự án hỗ trợ là 1 con lợn nái. Đến nay, chúng tôi đã có tổng vốn khoảng 100 triệu và số thành viên cũng tăng lên 15 và bắt đầu bước vào mô hình tổ hợp tác từ tháng 8/2017. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là sẽ phát triển tiếp lên mô hình hợp tác xã đa ngành”, bà Luận nói.
Cũng theo bà Luận, hiện tổ hợp tác đang cung cấp thức ăn gia súc và thu mua nông sản không chỉ trong xã mà cả những xã lân cận. Mỗi vụ thu hoạch, tổ hợp tác này thu mua tới 100 tấn ngô và sắn. Tổ hợp tác này cũng đầu tư máy ép nghiền tự sản xuất cám viên phục vụ trở lại cho các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, bà Luận cũng cho biết bài toán vốn vẫn là khó khăn với các tổ hợp tác, đơn cử tại tổ hợp tác của bà Luận 100 triệu vốn không đủ xoay vòng kinh doanh do đặc thù người mua hàng phần lớn là nợ đọng tới vụ thu hoạch bán được sản phẩm mới trả tiền, trong khi riêng thu mua thức ăn gia súc đã chiếm tới 30 triệu mỗi lần thu mua chưa kể thu mua nông sản ở các vùng phụ cận.
Liên quan tới bài toán hỗ trợ hậu Dự án, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chuyên gia Tài nguyên cao cấp WB, Chủ nhiệm quản lý dự án cho biết: “Tất cả các dự án WB tài trợ đều chọn cách tiếp cận tạo cho người dân ở thế chủ động trong tự tổ chức sản xuất, gắn kết thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập va đa dạng nguồn thu nhập. Những dự án khác của WB không mang tên dự án giảm nghèo như dự án hỗ trợ thủy sản, lâm nghiệp đều chú trọng sinh kế người dân. Mặc dù tháng 6/2018, dự án này kết thúc nhưng từ nay tới khi kết thúc, chúng tôi vẫn tiếp tục củng cố năng lực cho các CIG kể cả những hỗ trợ liên quan tới nhãn mác, thương hiệu, kết nối họ với các doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi cũng có trao đổi với các tỉnh và có sự cam kết mạnh mẽ từ các tỉnh để những nhóm CIG, tổ hợp tác, hợp tác xã, thậm chí là các doanh nghiệp nông sản được hỗ trợ tiếp tục theo các kế hoạch, chương trình khác của tỉnh”.
Bà Lan cũng cho biết, sau dự án này, WB tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án khác là dự án NTP với số tiền hỗ trợ từ WB là 200 triệu USD cùng tiền từ ngân sách Nhà nước. Dự án này cũng hỗ trợ các tỉnh nghèo nhưng các tỉnh cụ thể sẽ do Chính phủ Việt Nam lựa chọn.
“Thông qua các dự án giảm nghèo, WB đặt kỳ vọng các cách làm hay được thể chế hóa và nhân rộng mô hình hướng tới mục tiêp giúp Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững”, bà Lan nói.