Thời sự
Gần 200 khách hàng tiềm năng cho thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp
Thanh Hương - 12/06/2019 11:37
Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) hợp tác với Cục Điều tiết điện lực (ERAV) đã cho thấy, có xấp xỉ 200 khách hàng tiềm năng, đa phần là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc thuộc các tập đoàn xuyên quốc gia, để triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) khi được thực hiện thí điểm tại Việt Nam từ cuối năm 2019.

Việc triển khai DPPA cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Được biết từ năm 2017, V-LEEP của USAID đã hỗ trợ ERAV xác định những điều kiện cần thiết để triển khai chính sách về hợp đồng mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam.

Hỗ trợ của USAID được thực hiện theo ba bước gồm đánh giá về tổ chức và pháp lý, đánh giá và khuyến nghị các mô hình hợp đồng mua bán điện trực tiếp và lộ trình thí điểm cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp nhằm xác định những mô hình phù hợp nhất với Việt Nam.

Sau khi đưa ra khuyến nghị về thiết kế mô hình hợp đồng mua bán điện trực tiếp phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, USAID đang phối hợp chặt chẽ với ERAV xây dựng chương trình thí điểm DPPA.

Hiện các chuyên gia đang đặt mục tiêu, sau cuộc hội thảo công chúng ngày hôm nay (12/6) sẽ chuyển sang bước hoàn thiện các thiết kế liên quan cho việc thực hiện DPPA và tới tháng 12 sẽ tiến hành công bố thực hiện DPPA.

Dự án kỳ vọng được Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2020 và bước vào triển khai thương mại trong tháng 3/2021 và hoàn thành chương trình thí điểm vào tháng 12/2023.

V-LEEP cũng đề xuất các dự án năng lượng tái tạo tham gia chương trình DPPA có công suất từ 5 MWp đến 60 MWp và tổng quy mô công suất tham gia chương trình thí điểm là 300 MW.

Nhà đầu tư sẽ quyết định quy mô dự án tuỳ vào khả năng tìm đối tác phù hợp của mình cho thoả thuận DPPA và xây dựng dự án hiệu quả kinh tế.

Theo đánh giá nhóm khách hàng tiềm năng tham gia DPPA tại Việt Nam là 1.174 khách hàng, là những doanh nghiệp sử dụng điện lớn.

Trao đổi với phóng viên baodautu.vn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng ERAV cho hay, dự án thí điểm sẽ giúp Việt Nam xây dựng được các quy định cụ thể để thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. “Việc tham gia của các doanh nghiệp vào DPPA có thể làm chi phí giá mua điện của doanh nghiệp sử dụng điện tăng lên nhưng đổi lại họ sẽ nhận được các chứng chỉ Xanh cho hoạt động sản xuất của mình không chỉ ở phạm vi tại Việt Nam mà trên cả quy mô toàn cầu và nhận được các lợi ích khác từ chứng chỉ Xanh này”, ông Tuấn nói.

Tin liên quan
Tin khác