Theo Cục thống kê TP.HCM, 5 tháng đầu năm, đã có 77.336 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn các chế độ cho người lao động theo quy định.
Trong đó, 61.121 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tương đương gần 80% số lao động nộp hồ sơ).
Báo cáo Cục thống kê TP.HCM nêu, sẽ tiếp tục tăng cường rà soát dữ liệu báo tăng của bảo hiểm xã hội, dữ liệu báo cáo lao động, biến động lao động tại các doanh nghiệp để hạn chế việc người lao động đã có việc làm nhưng vẫn nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, Cục Thống kê Thành phố đã tổ chức khảo sát nhanh 16.302 doanh nghiệp (chiếm gần 12% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) từ ngày 10/4 đến 20/04/2020 trên địa bàn, nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy, có đến 85,5% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh nhiều ngành nghề càng chịu bị tác động do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM). |
Các doanh nghiệp phải đương đầu với các khó khăn chung, nổi bật như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhu cầu về nguyên vật liệu bị gián đoạn, chi phí đầu vào tăng.
Có gần 50% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp; 15,3% cho rằng hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được trong nước và có đến 42,4% doanh nghiệp không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, hơn 38,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, vì khi đại dịch bùng phát, các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật..) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất do ảnh hưởng từ Covid-19 (Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM). |
Thêm vào đó, có đến 70% số doanh nghiệp ngành may mặc và da giày thiếu hụt nguyên liệu từ nhập khẩu.
Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI là đối tượng chịu nhiều tác động nhất từ thị trường tiêu thụ xuất khẩu (với gần 51% doanh nghiệp Nhà nước và 48,5% doanh nghiệp FDI có hoạt động xuất khẩu không xuất khẩu được hàng hóa).
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất cao nhất với gần 51%, kế đó là doanh nghiệp Nhà nước (gần 50%).
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát này cho rằng, thuê mặt bằng là khoản chi phí mang đến gánh nặng lớn nhất (chiếm đến 42%), tiếp đến là chi trả công cho lao động, chi cho hoạt động thường xuyên khác, chi trả lãi vay ngân hàng.