Đầu tư
Gần ngày Thần tài, chênh lệch giá vàng cao kỷ lục
Thùy Liên - 09/02/2022 08:47
Nắm bắt nhu cầu tăng lên trong dịp Thần tài, nhà vàng tranh thủ tăng mạnh giá bán ra dù giá vàng thế giới đi ngang, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao kỷ lục.
 Nhiều điểm mua bán vàng bắt đầu tấp nập người mua sớm vàng Thần tài. Ảnh: Đức Thanh

Sức mua hồi phục, doanh nghiệp vàng tranh thủ tăng giá bán

Ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nhiều điểm mua bán vàng bắt đầu tấp nập người mua sớm vàng Thần tài. Sau giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh, sức mua vàng bắt đầu tăng trở lại vào quý IV/2021, khiến các doanh nghiệp vàng hào hứng, tung lượng lớn hàng hóa ra thị trường để chuẩn bị cho dịp mua sắm nhộn nhịp nhất năm.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho hay, năm nay, Tập đoàn sẽ tung ra 380.000 sản phẩm vàng Thần tài (tăng 15% so với dịp này năm 2021). Các sản phẩm vàng rất đa dạng, từ vàng ép vỉ nhiều trọng lượng đến vàng linh vật, tranh vàng, tượng vàng…

Các doanh nghiệp khác như Phú Nhuận (PNJ), Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… cũng tung ra rất nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng để phục vụ khách hàng dịp Thần tài. Năm nay, nhiều doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ hơn hình thức bán vàng trực tuyến để hạn chế dịch bệnh. 

Cũng như mọi năm, vàng có dấu hiệu bị đẩy giá trước ngày Thần tài. Chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra bình thường chỉ dao động ở mức 500.000 đồng/lượng, nay đã vọt tăng lên gần 1 triệu đồng/lượng.

Trong ngày giao dịch đầu tiên đầu năm mới, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp vàng bán ra phổ biến ở mức hơn 63 triệu đồng/lượng, đây là mức giá kỷ lục của vàng SJC trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, giá vàng trên thị trường thế giới đang đi ngang ở mức 1.800 USD/oz. Như vậy, so với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chênh lệch tới 13,3 triệu đồng/lượng.

Làm một phép so sánh nhỏ, có thể thấy, giá vàng trong nước ngày càng bị đẩy lên cao ngất ngưởng so với giá thế giới. Cụ thể, vào dịp sau Tết Nguyên đán năm ngoái, giá vàng thế giới tương đương hiện nay, nhưng giá vàng trong nước chỉ 56-57 triệu đồng/lượng (chênh lệch giá vàng với thế giới khi đó chỉ hơn 7 triệu đồng/lượng). Thậm chí, vào tháng 8/2020, giá vàng thế giới cao nhất lịch sử mọi thời đại (hơn 2.000 USD/oz), song giá vàng trong nước chỉ hơn 56 triệu đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với hiện nay, chênh lệch giá vàng thời điểm đó chỉ 2,5 triệu đồng/lượng.    

Chính vì vậy, dù nhận định lạc quan về giá vàng năm 2022, song các chuyên gia khuyến nghị, đầu tư vàng, nhất là mua vàng vào dịp bị đẩy giá như dịp Thần tài, rất rủi ro cho nhà đầu tư. 

“Chênh lệch giá vàng Việt Nam quá cao so với giá vàng thế giới, nên thời gian tới, ngay cả khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước có thể sẽ không tăng, thậm chí còn giảm. Nói chung, triển vọng giá vàng thế giới năm nay rất sáng sủa, song đầu tư vàng ở Việt Nam rất hên - xui, vì sự chủ động điều khiển giá nằm trong tay các nhà vàng, nhà đầu tư hoàn toàn bị động”, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích nhận định.

Vàng sẽ đón năm 2022 rực rỡ, song đầu tư vàng khó lãi lớn

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, năm nay, vàng có khả năng “rực rỡ” hơn so với năm 2021 nhờ hưởng lợi từ lạm phát toàn cầu tăng cao, các quốc gia tăng thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. “Lạm phát và thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trên toàn cầu sẽ khiến nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ… Tuy khả năng tăng giá là rất lớn, song giá vàng khó có thể bật tăng mạnh như năm 2019-2020, vì bên cạnh yếu tố hỗ trợ tăng giá, vàng cũng bị cạnh tranh bởi nhiều kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu doanh nghiệp, yên Nhật, franc Thụy Sĩ, bảo hiểm…”, ông Khánh cho biết.

Đưa ra kịch bản giá vàng năm 2022, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, giá vàng sẽ dao động ở mức 1.800 - 2.000 USD/oz. Ngoài yếu tố lạm phát, vàng còn đang được hỗ trợ bởi nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất…  Nói cách khác, xu hướng vàng tăng giá từ nay đến cuối năm là rất lớn.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, mua vàng thời điểm này thì cơ hội kiếm lời không cao. Cụ thể, theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giá vàng thế giới có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/oz, nhưng ngay cả khi trường hợp này xảy ra, rất khó đoán định giá vàng trong nước tăng hay giảm. Giá vàng trong nước và thế giới không liên thông khiến kênh đầu tư này rất rủi ro, nhà đầu tư có thể lỗ ngay cả khi giá vàng thế giới tăng mạnh.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nếu quan niệm mua vàng cầu may dịp Thần tài thì nhà đầu tư chỉ nên mua một lượng rất ít, bởi đây là thời điểm vàng bị “thổi giá” nhiều nhất trong năm. Một khi đã xác định mua vàng đầu tư, cần lựa chọn thời điểm chênh lệch giá vàng thấp so với thế giới, sau ngày Thần tài có thể là thời điểm tốt để mua vào.

Diễn biến giá vàng trong nước rất khó dự đoán. - Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích

Năm 2022, trong kịch bản tốt, giá vàng thế giới có thể vượt mức giá cao nhất lịch sử là trên 2.000 USD/oz. Còn trong kịch bản xấu, tôi cho rằng, kết thúc năm 2022, giá vàng vẫn đứng vững trên 1.800 USD/oz.

Nhìn vào số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, có thể thấy, các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư lớn vẫn đang trong vị thế nắm giữ, số lượng mua vẫn áp đảo số lượng bán. Từ năm ngoái đến nay, một số ngân hàng trung ương bắt đầu bán ra, song số lượng vô cùng nhỏ so với số lượng họ đã mua vào giai đoạn 2019-2020.

Nhìn chung, xu hướng vàng năm nay vẫn tăng, dù vậy, diễn biến giá vàng trong nước rất khó dự đoán bởi không liên thông và chênh lệch giá quá cao so với giá thế giới.

Tin liên quan
Tin khác