Bệnh thận mạn là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu.
Bệnh thận mạn có thể dẫn tới hàng loạt các biến chứng. Nguy hiểm hơn, khi bệnh thận mạn tiến triển nặng đến suy thận giai đoạn đoạn cuối, người bệnh cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Với tần suất mắc cao, bệnh thận mạn hiện nay đang là gánh nặng lớn cho bệnh nhân, gia đình và đặc biệt là hệ thống y tế.
Bệnh thận mạn có thể dẫn tới hàng loạt các biến chứng. |
Bệnh thận mạn là một căn bệnh nguy hiểm, thường tiến triển âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.
Vì vậy, có rất nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn muộn, làm tăng nguy cơ tiến triến đến bệnh thận giai đoạn cuối và người bệnh phải điều trị thay thế thận. Điều này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn gia tăng gánh nặng kinh tế và y tế của gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam, theo ước tính cứ khoảng 10 người thì có một người mắc bệnh thận mạn và tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có khuynh hướng tăng lên theo thời gian.
Ngoài ra, nhu cầu điều trị lọc máu tăng trong khi số lượng đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo thống kê, năm 2019, chi phí quản lý bệnh thận mạn cao hơn GDP bình quân đầu người, chi phí lọc máu cao gấp 4 lần so với chi phí điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm.
Chính vì những gánh nặng và hệ lụy trên, việc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho bệnh nhân bệnh thận mạn sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tới điều trị thay thế thận và những lợi ích đáng kể cho ngành y tế.
Những người có tiền sử hoặc đang mắc ít nhất một bệnh lý sau: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch (suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), thừa cân, béo phì, suy thận cấp, tổn thương thận cấp, sỏi thận, sỏi niệu, các bệnh hệ thống.
Cần kiểm tra định kỳ cho những người có nguy cơ cao được đề cập ở trên để sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn có thể được chẩn đoán sớm thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu.
Sàng lọc bệnh thận mạn là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thận của bạn và đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả nhất khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Tháng 8/2023 Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam đã cập nhật "Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận" với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Khuyến cáo được công bố tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 17 của Hội - VUNA 2023.
Sau khi khuyến cáo của Hội được ban hành, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam soạn thảo, chuẩn hoá tài liệu chuyên môn về điều trị bệnh thận mạn.
Ngày 12/8/2024, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Quyết định về "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận" là cơ sở để các bác sỹ có thể áp dụng trên thực hành lâm sàng nhằm tối ưu bảo vệ bệnh nhân và giảm gánh nặng y tế của bệnh thận mạn.
Hướng dẫn điều trị này có nhấn mạnh đến vai trò của nhóm thuốc ức chế SGLT2 (Sodium – Glucose Co-transporter 2) trong làm chậm tiến triển bệnh thận mạn.
Nhóm thuốc ức chế SGLT2 là một trong những tiến bộ nổi bật trong lĩnh vực y khoa của thế kỷ 21 với lợi ích đã được chứng minh trong quản lý toàn diện các bệnh tim mạch - thận - chuyển hóa.
Chính vì vậy, thuốc ức chế SGLT2 được khuyến cáo trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân suy tim và bệnh nhân mắc bệnh thận mạn.
Từ ngày 22-24/8/2024, Hội nghị khoa học thường niên Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam lần thứ XVIII, và Hội nghị khoa học Hội Tiết niệu - Thận học Thừa thiên Huế lần XVI (gọi tắt là VUNA - Huế 2024) được tổ chức tại TP.Huế đã có phiên thảo luận về cập nhật các tiến bộ mới trong lĩnh vực thận học thu hút sự quan tâm của các diễn giả.
Phiên hội thảo này nhấn mạnh vai trò của việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh thận mạn được nhấn mạnh và nhóm thuốc ức chế SGLT2 được xem như là trụ cột mới, mở ra hy vọng cho bệnh nhân bệnh thận mạn trên cả nước.