Doanh nghiệp
Gạo, đồ gỗ, da giày tăng trưởng xuất khẩu cao trong tháng 2/2020
Hải Yến - 02/03/2020 09:49
Những ngành hàng xuất khẩu tỷ USD vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trong tâm dịch Covid-19, như giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3%; gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5%, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1%...
Xuất khẩu gạo ghi nhận mức tăng trưởng khá sau 2 tháng đầu năm 2020, đạt Riêng gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% .

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê,dù khó khăn đổ ập đến các ngành sản xuất trong tháng 2 do dịch Covid-19, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương. Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, so với cùng kỳ 2019, xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 39,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 32%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 11,41 tỷ USD, tăng 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,51 tỷ USD (chiếm 69,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 0,9%.

Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2/2020 Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước

Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: Điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 26,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 19,6%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4%.

Trong nhóm hàng nông sản, gạo được xem là điểm sáng xuất khẩu khi tạo bước ngoặt lớn trong tháng 2, với 372 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch Covid1-19.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường đang có xu hướng liên tục tăng cao, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho người nông dân.

Cần nói thêm, trong năm 2019, ngành gạo trong nước đã có một năm sụt giảm mạnh, hụt hơi 300 triệu USD so với năm 2018. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,259 triệu tấn, chỉ thu về 2,758 tỷ USD, trong khi năm 2018 xuất 6,1 triệu tấn, nhưng mang về 3,060 tỷ USD. Ngành gạo đã có 1 năm xuất khẩu không như ý, với giá xuất khẩu giảm 2 con số.

Giá gạo xuất khẩu năm 2019 tụt dốc rất mạnh so với năm 2018 và là nguyên nhân chính khiến giá trị đem về bị hụt hơi. Giá xuất khẩu trong 11 tháng 2019 đã giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 439,3 USD/tấn.

Với da giày, dù tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 2/2020 ở mức 3%, trị giá 2,7 tỷ USD, đã phần nào cho thấy nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp.

Dù vậy, tình hình sẽ trở nên khó hơn trong tháng 3 khi hầu hết các doanh nghiệp ngành da – giày dự kiến chỉ dự trữ đủ nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đến hết tháng 02/2020 hoặc đầu tháng 3/2020, do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành da giày đạt 22 tỷ USD, trong đó hơn 18,3 tỷ USD là giày dép, 3,7 tỷ USD là túi xách, nếu diễn biến dịch cúm Covid-19 kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường Trung Quốc. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Trong khi đó, ngành gỗ và sản phẩm gỗ với quy mô xuất khẩu hơn chục tỷ USD mỗi năm cũng vượt khó mang về đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1% trong tháng 2/2020. Cũng như các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ cũng phụ thuộc lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với giá trị nhập khẩu mỗi năm gần 400 triệu USD và xuất khẩu gần 1 tỷ USD sang thị trường này.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam sử dụng hơn 70% nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước, phần gỗ còn lại nhập từ nhiều thị trường nên không bị động ở khâu nguyên liệu trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp sản xuất sofa có thể bị ảnh hưởng nguồn vải nhập chính từ thị trường Trung Quốc, nhưng nhìn chung toàn ngành không bị tác động nhiều trong giai đoạn hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác