Doanh nghiệp
Gặp thảm đỏ có gai, Đức Long Gia Lai đi mà không đến
Hữu Huân - Gia Nhuệ - 14/03/2014 09:36
Đi vào hoạt động đã gần 2 năm, song Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng (bến xe phía Nam) ở Đà Nẵng gần như bỏ hoang, vì không có khách. Vậy là, theo lời mời gọi đầu tư của Đà Nẵng, Đức Long Gia Lai đã "đi" mà chẳng "đến" như câu slogan "Đi là đến" của Tập đoàn. Phú Yên tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI Thi công gói thầu số 1 đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư của TP. Đà Nẵng trong thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, trong đó có 2 bến xe phía Bắc và phía Nam nhằm giảm áp lực giao thông cho đô thị, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã đăng ký đầu tư Dự án Bến xe phía Nam TP. Đà Nẵng.

Tập đoàn đã đầu tư trên 130 tỷ đồng xây dựng Bến xe phía Nam (có diện tích hơn 63.000 m2), nằm sát Quốc lộ 1A, với hệ thống các công trình phụ trợ như ga hành khách, trung tâm điều hành, trung tâm thương mại - dịch vụ...

Thế nhưng, kể từ khi đưa vào hoạt động từ tháng 6/2012 đến nay, Bến xe phía Nam gần như bỏ hoang, vì hầu như không có xe nào chịu vào bến. Từ chỗ có 30 lao động, nay Bến xe chỉ còn 4-5 người trông coi, công trình đang ngày càng xuống cấp.

Chủ đầu tư đổ lỗi cho Thành phố

Đại diện Tập đoàn ĐLGL cho rằng, nguyên nhân dẫn đến không có xe nào vào bến là vì TP. Đà Nẵng không tuân thủ quy hoạch, không thực hiện phân luồng, tuyến giao thông Nam - Bắc; chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe để tạo thông thoáng mặt tiền, chưa hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn…

Ông Phạm Anh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn ĐLGL cho biết, thời gian qua, UBND TP. Đà Nẵng đã chưa giải quyết các yêu cầu của Tập đoàn đến nơi đến chốn, cũng như không tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24/1/2005 của UBND TP. Đà Nẵng ban hành về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông - công chính TP. Đà Nẵng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Ông Hùng cho biết thêm, TP. Đà Nẵng đã không đưa Bến xe Trung tâm Đà Nẵng ra phía Bắc quận Liên Chiểu để thành lập Bến xe phía Bắc, phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch, mà ngược lại, còn ban hành Văn bản số 3748/UBND-QLĐTh ngày 1/6/2012 giao đất cho Công ty Vận tải và Quản lý Bến xe Trung tâm Thành phố thuê đất 50 năm để tiếp tục kinh doanh dịch vụ bến xe này.

Được biết, ĐLGL đã nhiều lần gửi đơn tới UBND TP. Đà Nẵng, song chưa được đáp ứng như mong muốn.

Quan điểm của UBND TP. Đà Nẵng

Ngày 27/11/2013, UBND TP. Đà Nẵng có Văn bản số 10534/UBND-QLĐTh thừa nhận việc đầu tư của Tập đoàn ĐLGR là phù hợp với quy hoạch, song UBND Thành phố không thể can thiệp vào việc điều chỉnh đăng ký khai thác và hoạt động kinh doanh vận tải tuyến cố định đã đăng ký hoạt động tại Bến xe Trung tâm Thành phố.

Để cải thiện tình hình, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu CTCP Đức Long Đà Nẵng (công ty con của Tập đoàn ĐLGL, quản lý bến xe) tiếp tục chủ động vận động các DN vận tải, đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm thu hút họ đăng ký sử dụng bến xe.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng cho biết, dự báo từ năm 2020, nhu cầu đi lại trong vùng sẽ gia tăng đáng kể. Việc phải có thêm 1 bến xe khách ở phía Nam Đà Nẵng là điều cần thiết, thỏa mãn định hướng tầm nhìn tương lai của địa phương. Có điều, hiện tại, việc khai thác hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng khá ổn, chưa có áp lực về luồng tuyến vận tải. Hơn nữa, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vốn đã có từ lâu và được quy hoạch lại tại khu vực Hòa Minh, Liên Chiểu với công suất 1.500 lượt xe/ngày đêm, song hiện cũng chỉ mới khai thác được khoảng 350 lượt xe/ngày đêm.

Cho nên, theo ông Ba, lẽ ra Tập đoàn ĐLGL nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng, dự báo chính xác tình hình, để đón đầu cơ hội đầu tư, cũng như phải lường trước được các thách thức, khó khăn để có giải pháp xử lý thoả đáng.

Trong khi đó, theo ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng, trước thực tế bến xe phía Nam từ khi hoạt động tháng 6/2012 đến nay không đạt yêu cầu về luồng tuyến xe khách, Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng đã cùng Hiệp hội tổ chức cuộc họp với tất cả các đơn vị vận tải trên địa bàn và phụ cận để tìm cách tháo gỡ. Cuộc họp đã diễn ra ngày 5/1/2013, với kết luận là 90% đơn vị vận tải cương quyết không đăng ký sử dụng bến xe Đức Long Đà Nẵng, với lý do bến xe ở xa trung tâm thành phố, làm phát sinh chi phí và phiền hà hành khách đi lại.

Gỡ bằng cách nào?

Việc “đón đầu” cơ hội phát triển ở Đà Nẵng bằng đầu tư xây dựng Bến xe phía Nam của Tập đoàn ĐLGL là lựa chọn của chính DN, phù hợp với quy hoạch của địa phương. Song, TP. Đà Nẵng chưa từng cam kết sẽ chia sẻ rủi ro (nếu có) với nhà đầu tư, khi triển khai dự án. Để gỡ khó cho DN, Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng chỉ đạo vẫn tiếp tục vận động các đơn vị vận tải tham gia mở tuyến xe ở bến xe phía Nam Đà Nẵng.

Về lâu dài, để bến xe “đầy khách”, rất cần những nỗ lực của chính ĐLGL trong việc xác định rõ lộ trình đầu tư của mình để đưa ra những bước đi phù hợp, tiếp tục vận động và có chính sách ưu đãi thích hợp nhằm kêu gọi các DN vận tải đăng ký hoạt động vào đây.

Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng cần giải quyết những kiến nghị hợp lý của ĐLGL, như thực hiện việc giải phóng mặt bằng phía trước bến xe theo tiến độ và kế hoạch đề ra; quy hoạch mạng lưới tuyến nội tỉnh và xe buýt đi và đến bến xe phía Nam… góp phần gỡ khó cùng DN.

Tin liên quan
Tin khác