Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê). |
So với năm 2018 và những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 đều thấp hơn. Theo ông, GDP tăng trưởng dựa vào những động lực nào?
Công nghiệp chế biến, chế tạo và tiêu dùng cuối cùng của hộ dân là 2 động lực quan trọng giúp GDP năm nay tăng 7,02% - cao hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (6,6 - 6,8%) và cao hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (phấn đấu GDP tăng khoảng 6,8%).
Năm nay, GDP tăng trưởng 7,02% có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi là năm Chính phủ đặt ra nhiệm vụ là phải bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Ông có thể phân tích kỹ hơn vấn đề này?
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là đầu tàu, là khu vực dẫn dất nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, với sự đóng góp đa dạng từ nhiều ngành. Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư năm 2019 duy trì tốc độ tăng cao ổn định đã đóng góp 6,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Đúng là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với các năm trước, chỉ tăng trưởng 8,1% (263,45 tỷ USD), nhưng xuất siêu 9,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2018 (xuất siêu 6,515 tỷ USD), nên hoạt động xuất khẩu vẫn là điểm sáng, đặc biệt đặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm; tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nước bị âm.
Giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt thấp, nhưng vốn đầu tư công chỉ chiếm 31% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nên việc giải ngân nguồn vốn này thấp ít ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thậm chí, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm nay tăng 10,2% so với năm 2018, nhờ nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm nay và tăng trưởng 17,3%.
Nhờ tất cả các yếu tố, động lực nêu trên, nên GDP năm 2019 đã tăng trưởng 7,02%, tạo tiền đề vô cùng quan trọng để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Chính phủ đã đặt ra.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa dự báo, tốc độ tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới và các nước trong khu vực đều giảm, nhưng lại dự báo GDP Việt Nam năm 2019 và 2020 tăng so với dự báo trước đó. Liệu ADB có quá lạc quan về kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Để có những điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng năm 2019, ADB dựa vào kết quả tăng trưởng kinh tế trong 3 quý đầu năm 2019, cũng như xu hướng, môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời quan qua.
Cụ thể, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm đạt 6,98%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Tăng trưởng của ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo vẫn mạnh mẽ, mặc dù có xu hướng giảm từ nửa đầu năm 2018; xuất khẩu quý III đã khởi sắc; tiêu dùng cá nhân tăng 7,3% trong 9 tháng đầu năm; môi trường kinh doanh được cải thiện... Đó là cơ sở tin cậy để ADB nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2019.
Trước đà tăng trưởng của năm 2019 và những cơ hội cũng như động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, tôi nghĩ, ADB không hề quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 khi dự báo kinh tế nước ta năm 2020 tăng 6,8%, thay vì 6,7% như tổ chức này đưa ra trước đó.
Ông có cho rằng, năm 2020, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% như ADB dự báo và bằng với mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội đặt ra?
Công nghiệp chế biến, chế tạo và tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư là động lực cho kinh tế tăng trưởng cao trong năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài. Như vậy, động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu và tất cả các yếu tố này tiếp tục phát huy trong năm 2020, nên không có lý do gì năm 2020, Việt Nam không đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%, nếu không có những biến cố đột biến xảy ra.
Chưa kể, năm 2020 còn có thêm động lực mới, như việc các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ cắt giảm thuế quan như cam kết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ “mở toang” cánh cửa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt kỷ lục. Đây cũng chính là động lực để năm 2020 cán đích tăng trưởng kinh tế 6,8%, thậm chí cao hơn, thưa ông?
Năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và vượt mọi dự báo trước đó. Vốn đầu tư nước ngoài trên 38 tỷ USD cũng là mức cao nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là một thành quả đáng khích lệ.
Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào các ngành kinh tế then chốt (công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; bán buôn, bán lẻ...), có đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng tạo đà để các ngành này tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm 2020 và các năm tiếp theo.