Quốc tế
GDP Trung Quốc tăng vượt dự báo, chứng khoán vẫn "bốc hơi" mạnh
Lê Quân - 16/07/2020 20:58
Chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch 16/7 dù GDP của Trung Quốc công bố cùng ngày tăng vượt dự báo.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc chốt phiên giao dịch 16/7 với 3.210,10 điểm, mất 4,5%. Ảnh: AFP

Sau hai tuần liên tục ghi nhận nhiều phiên tăng điểm mạnh mẽ khiến giới đầu tư đặt nghi vấn về đà tăng này, chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay trượt dốc sâu nhất khu vực châu Á. Chỉ số Shanghai Composite rơi 4,5% còn 3.210,10 điểm trong khi Shenzhen Component trượt sâu hơn với 5,372% về 12.996,34 điểm. Sắc đỏ cũng lan sang thị trường chứng khoán Hong Kong khi chỉ số Hang Seng giảm tới 2% và đóng cửa ở mức 24.970,69 điểm.

Tuy vậy, thị trường Trung Quốc đại lục vẫn ghi nhận mã cổ phiếu tăng bứt tốc. Cổ phiếu của hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC tăng vọt 245% trong ngày đầu tiên chào sàn chứng khoán Thượng Hải. Cổ phiếu SMIC sau đó tiếp tục tăng điểm nhưng đà tăng nguội dần và chốt phiên với mức tăng 202%. SMIC là hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu mà Trung Quốc nuôi tham vọng có thể tự sản xuất chip.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trượt 0,76% và đóng cửa với 22.770,36 điểm, còn chỉ số Topix kết thúc ngày giao dịch giảm 0,66% về 1.579,06 điểm. Ngược dòng thị trường, cổ phiếu của Japan Display - một nhà cung ứng lớn của Apple tại Nhật Bản - vẫn đón sóng tăng 8,33%.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt nhẹ 0,82% về 2.183,76 điểm sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm nay công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5%.

Sắc đỏ cũng nhuốm chứng khoán Australia khi chỉ số S&P/ASX 200 kết thúc ngày giao dịch giảm 0,69% còn 6.010,90 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1,8%.

Trung Quốc hôm nay công bố GDP quý II/2020 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 2,5% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trượt sâu hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 0,3%.

Các số liệu về hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đang được các nhà đầu tư tiếp tục theo sát, nhằm tìm kiếm manh mối về sự phục hồi của nền kinh tế này thời Covid-19.

Bình luận về tăng trưởng GDP Trung Quốc được vừa công bố, bà Marcella Chow, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược toàn cầu của Công ty quản lý tài sản JPMorgan nhận định: “Nhìn về phía trước, chúng tôi hy vọng (kinh tế Trung Quốc) sẽ tiếp tục được cải thiện trong những quý sắp tới khi phần lớn các hoạt động kinh tế trong nước được hồi phục”.

Bà Chow cũng cho rằng, cùng với việc chính phủ Trung Quốc tăng đầu tư hạ tầng, tiêu dùng cũng có thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế này. “Vì các hộ gia đình Trung Quốc đã tích lũy được lượng lớn tiền gửi ngân hàng để đề phòng suy thoái kinh tế và đại dịch, nên chi tiêu tiêu dùng có thể phục hồi nhanh khi niềm tin người dân được cải thiện”, nữ chuyên gia cho hay.

Căng thẳng địa chính trị khu vực châu Á cũng khiến nhà đầu tư dè chừng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 cho biết Washington sẽ áp dụng “hạn chế thị thực” đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, một động thái được dự báo sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Thị trường tiền tệ hôm nay ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mức 95,999 lên 96,108. Đồng yên Nhật Bản mạnh lên và giao dịch 107 JPY “ăn” USD so với mức 107,1 JPY/USD thiết lập hôm qua, còn đô la Australia cũng lên giá và trao tay 1 AUD/0,6987 USD so với mức 1 AUD/0,696 USD thường thấy trong tuần.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay sụt giảm. Dầu thô Brent giao kỳ hạn trượt giá 0,94% xuống 43,38 USD/thùng, còn giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ giảm sâu hơn 1,3% về 40,66 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác