Sức khỏe doanh nghiệp
Gelex điều chỉnh đổi mục đích sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu
Kỳ Thành - 03/05/2022 08:53
Hơn 3.500 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành cổ phiếu 2021 sẽ được Gelex điều chỉnh phương án sử dụng sau khi cổ đông thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến vào ngày 12/5.
Gelex ghi nhận giá trị trái phiếu đang nắm giữ lên tới 3.620 tỷ đồng.

Thêm vốn cho dự án bất động sản, trả nợ trái phiếu trước hạn

Một nội dung đáng chú ý trong tài liệu kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 sắp tới của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã GEX - HoSE) là việc tập đoàn này trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021.

Theo phương án chi tiết sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán thêm cổ phiếu được Hội đồng Quản trị Gelex thông qua ngày 5/2/2021, trong hơn 3.515 tỷ đồng vốn huy động được, Tập đoàn sẽ sử dụng 1.800 tỷ đồng thực hiện các dự án nhà máy điện gió thông qua Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex, 500 tỷ đồng rót vào Dự án Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 - Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ (Hà Nội). Hơn 1.215 tỷ đồng còn lại được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (800 tỷ đồng) và Tập đoàn Gelex (hơn 415 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo tình hình sử dụng vốn tính đến thời điểm ngày 31/3/2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho thấy, Gelex huy động được 3.537 tỷ đồng, nhưng mới sử dụng 920 tỷ đồng để triển khai các nhà máy điện gió, gần 149 tỷ đồng để thực hiện dự án bất động sản. Phần vốn dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex và Tập đoàn Gelex đã được sử dụng đúng mục đích.

Gelex cho biết, các dự án điện gió Gelex 1, 2, 3 và Hướng Phùng 2, 3 đã hoàn thành, phát điện thương mại và không phát sinh thêm nhu cầu vốn đầu tư. Do đó, Gelex đề nghị thay đổi phương án sử dụng vốn là không tăng thêm vốn cho các dự án điện gió, nâng phần vốn triển khai dự án bất động sản từ 500 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.

Số tiền còn lại sau khi điều chỉnh các mục trên (khoảng 400 tỷ đồng) được Gelex “bổ sung vốn lưu động và/hoặc trả nợ trước hạn trái phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex”. Đáng chú ý trong nội dung này là Gelex đã bổ sung việc trả nợ trước hạn trái phiếu của Tập đoàn.

Báo cáo tài chính riêng năm 2021 đã kiểm toán của Tập đoàn Gelex cho biết, tại thời điểm ngày 31/12/2021, nợ trái phiếu của Gelex là 4.525,3 tỷ đồng, bao gồm 4.225,4 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và gần 300 tỷ đồng trái phiếu dài hạn đến hạn trả. Có 5 đơn vị bảo lãnh/tư vấn phát hành trái phiếu cho Gelex là Quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (CGIF) và 4 công ty chứng khoán là VIX, Shinhan Việt Nam, VNDIRECT và SSI. Trong đó, VIX là đơn vị bảo lãnh/tư vấn phát hành lượng trái phiếu có giá trị lớn nhất, lên tới 1.800 tỷ đồng.

Các khoản trái phiếu phát hành có lãi suất từ 6,5 - 10%/năm, cao hơn khá nhiều so với các khoản vay tại ngân hàng của Gelex. Cụ thể, các khoản vay ngân hàng ngắn hạn có lãi suất từ 4,3 - 6%/năm, vay dài hạn 4,9%/năm. Tại thời điểm ngày 31/12/2021, vay ngân hàng ngắn hạn của Gelex đạt 1.154,8 tỷ đồng, vay ngân hàng dài hạn 200 tỷ đồng.

Tranh thủ vốn để đầu tư ngắn hạn

Nhằm tối ưu hóa dòng tiền, Gelex đề nghị, trong thời gian chờ giải ngân để thực hiện phương án sử dụng vốn điều chỉnh, Tập đoàn được sử dụng số tiền nhàn rỗi chưa sử dụng để gửi tiền, đầu tư kinh doanh tài chính ngắn hạn, cho vay ngắn hạn đảm bảo bảo toàn vốn, đem lại thêm lợi ích cho công ty, phù hợp với quy định của pháp luật…

Vẫn theo báo cáo tài chính riêng sau kiểm toán năm 2021, Gelex đang có 359 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, tăng gấp 2 lần so với đầu năm.

Đáng chú ý, trong danh mục chứng khoán kinh doanh, Gelex ghi nhận giá trị trái phiếu đang nắm giữ lên tới 3.620 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản đầu tư này. Ngoài ra, Công ty cũng đầu tư gần 701 tỷ đồng vào cổ phiếu, nhưng đang trích lập dự phòng 15,8 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.

Trong khi đó, trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn, Gelex ghi nhận khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết với tổng giá trị 8.585,7 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào 2 sub-holding là Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex (6.130,3 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (2.403,5 tỷ đồng).

Năm 2021, Gelex đã hoàn thành mua thêm cổ phiếu Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã VGC - HoSE) để sở hữu quyền chi phối và chính thức đưa Viglacera trở thành công ty con của Gelex. Tiếp đó, Tập đoàn góp vốn vào Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex bằng toàn bộ số cổ phần Viglacera, nên trên báo cáo tài chính của Gelex không còn ghi nhận khoản đầu tư trực tiếp vào Viglacera.

Bên cạnh việc “làm dày” danh mục đầu tư ngắn hạn, trong năm 2022, Hội đồng Quản trị Gelex cho biết, sẽ tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thủy điện, điện sinh khối… “Tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex cho hay.

Theo thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex mới công bố về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng từ 192,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 22,58% cổ phần) lên 202,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,75% cổ phần).

Ngoài ra, gần đây, nhóm quỹ Dragon Capital cũng tăng lượng cổ phiếu GEX nắm giữ lên 42,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 5%, chính thức trở lại là cổ đông lớn tại Gelex.
Tin liên quan
Tin khác