SSJ Consulting đã trở thành cổ đông lớn sở hữu tới 10% cổ phần tại Gemadept. |
Sự chuyển giao của các ông lớn
Công ty TNHH SSJ Consulting (công ty con của Sumitomo - Nhật Bản) vừa mua vào một khối lượng khá khủng cổ phiếu GMD với gần 29,7 triệu cổ phiếu. Sau động thái này, SSJ Consulting đã trở thành cổ đông lớn sở hữu tới 10% cổ phần tại Gemadept, dù trước đó SSJ Consulting chưa sở hữu cổ phiếu nào.
Trái ngược với động thái mua vào quy mô lớn của SSJ Consulting, Quỹ đầu tư VI Vietnam Investment Fund 2 LP đã thoái bớt một phần vốn, với số lượng đúng bằng số lượng cổ phiếu mà SSJ Consulting vừa mua. Đây là một quỹ đầu tư đến từ quốc đảo Cayman Island (châu Âu), có liên quan đến 2 người có vị trí cốt cán tại Gemadept là ông Phan Thanh Lộc, Phó chủ tịch HĐQT và ông David Do, thành viên HĐQT.
Trước khi thực hiện giao dịch, Fund 2 là cổ đông lớn nhất tại Gemadept nắm giữ số lượng cổ phiếu lên tới hơn 87,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,55% số cổ phiếu GMD đang lưu hành. Dù đã bán bớt một khối lượng cổ phiếu lớn, nhưng quỹ đầu tư này vẫn còn nắm trong tay hơn 58 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 19,55% và vẫn là cổ đông lớn nhất tại Gemadept.
Ngoài Fund 2, một quỹ đầu tư khác cũng đang có kế hoạch thoái vốn tại Gemadept. Cụ thể, Quỹ đầu tư VI Vietnam Investment Fund 1 LP dự kiến thoái toàn bộ cổ phiếu GMD do quỹ này đang nắm giữ. Tổng số cổ phiếu GMD mà Quỹ còn nắm giữ tuy không lớn, chỉ còn gần 2,5 triệu cổ phiếu (chưa đến 1% tổng số cổ phiếu GMD đang lưu hành), nhưng đây cũng là quỹ đầu tư có liên quan đến 2 thành viên HĐQT là ông Phan Thanh Lộc và ông David Do.
Cái cũ, cái mới và bức tranh doanh nghiệp
Những thông tin giao dịch trên phần nào đã làm thay đổi cơ cấu các cổ đông lớn nhất trong Gemadept. Theo đó, nếu trước kia, Gemadept chịu sự lệ thuộc khá lớn của Fund 2, thì hiện nay, vai trò của quỹ đầu tư này đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, SSJ Consulting đã trở thành cổ đông lớn thứ hai tại công ty này.
Sau khi tham gia Gemadept, SSJ Consulting được kỳ vọng có thể sẽ đem đến doanh nghiệp này một hơi thở mới mang phong cách Nhật Bản. Làn gió mới này kết hợp với phong cách châu Âu của Quỹ Fund 2 có thể sẽ giúp cho nhà đầu tư quan tâm tới Gemadept thêm nhiều câu chuyện thú vị trong thời gian tới.
Về bức tranh tài chính, Gemadept chưa công bố báo cáo tài chính quý II, nhưng đến cuối quý I/2019, có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 661 tỷ đồng. Khoản tiền này cùng một số khoản khác trong cơ cấu nguồn vốn như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển… đã giúp Công ty có quy mô vốn chủ sở hữu lên tới 6.670 tỷ đồng, cao gấp 2,25 lần so với quy mô vốn góp cổ đông chỉ là 2.969 tỷ đồng. Gemadept có tỷ lệ nợ phải trả ở mức khá thấp, với giá trị tuyệt đối tại ngày 31/3/2019 là 3.312 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 33% giá trị tổng tài sản.
Trong cơ cấu tài sản, những tài sản có giá trị lớn của doanh nghiệp này chủ yếu nằm ở tài sản dài hạn. Tài sản ngắn hạn chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng tại ngày 31/3/2019, còn các loại tài sản ngắn hạn cơ bản khác như hàng tồn kho, đầu tư tài chính, tiền và tương đương tiền… đều chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tài sản.
Đối với tài sản dài hạn, 2 nhóm tài sản đáng chú ý nhất là giá trị tài sản cố định trị giá lên tới 3.358 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn tới 2.674 tỷ đồng. Danh mục đầu tư tài chính của Gemadept khá dài, nhưng chủ yếu là có liên quan đến các hoạt động kinh doanh chính của Công ty.
Ngoài giao dịch của các tổ chức lớn như SSJ Consulting và các quỹ đầu tư Fund 1, Fund 2, vừa qua, ông Lưu Tường Giai, Trưởng ban kiểm soát Gemadept cũng đã bán bớt một phần cổ phiếu GMD. Như vậy, số lượng cổ phiếu mà ông Giai nắm giữ đã giảm từ 169.670 cổ phiếu xuống 119.670 cổ phiếu.