Lợi nhuận nửa đầu năm gấp 2,34 lần cùng kỳ dù thu hẹp quy mô doanh thu
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3 – mã PGV) vừa công bố, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm sau soát xét tăng thêm hơn 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do bổ sung phần lãi từ công ty liên kết. Với gần 1.646 tỷ đồng lãi ròng, Genco 3 đã vượt 25,5% so với kế hoạch đề ra và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 134%.
Tương tự nhiều doanh nghiệp ngành điện, quy mô doanh thu của Genco 3 đã thu hẹp đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điện giảm khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy cắt giảm thời gian làm việc. Theo cập nhật gần nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách giãn cách xã hội, nhu cầu phụ tải hệ thống điện giảm thấp, đặc biệt tại khu vực miền Nam, sản lượng điện sản xuất 7 tháng năm 2021 của công ty mẹ Genco 3 là 16.524 triệu kWh, giảm 12,43% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu 7 tháng đầu năm 2021 công ty mẹ ước thực hiện là 21.666 tỷ đồng, giảm 7,14% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của công ty, doanh thu nửa đầu năm của Genco 3 đạt 19.635 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp đã được cải thiện đáng kể chủ yếu nhờ giảm các khoản chi phí sửa chữa lớn từ mức 903 tỷ đồng nửa đầu năm 2020 xuống còn 387 tỷ đồng kỳ này. Điều này đã bù lại đáng kể phần chi phí nhân viên và chi phí mua ngoài tăng lên. Lợi nhuận gộp của Genco 3 vì vậy không thay đổi nhiều so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chủ yếu kéo lợi nhuận tăng đến từ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết Genco 3 đã giảm 670 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá so với cùng kỳ (nửa đầu năm 2021 lãi chênh lệch tỷ giá là 498 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ chênh lệch tỷ giá là 172 tỷ đồng). Cùng đó, chi phí lãi vay giảm 434 tỷ đồng.
Genco 3 là doanh nghiệp điện lớn, đóng góp tới gần 13,6% tổng sản lượng điện quốc gia năm 2020. Quy mô tài sản của công ty đạt 71.608 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 3,13 tỷ USD. Tuy vậy, nguồn vốn tài trợ phần lớn vẫn đến từ nguồn đi vay (55.174 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấp xỉ 77%. Con số trên đã giảm đáng kể so với cuối năm 2020 nhờ Genco 3 thanh toán nợ vay dài hạn EVN và đánh giá lại gốc ngoại tệ giúp giảm tổng cộng gần 2.300 tỷ đồng.
Các khoản vay lại từ EVN đều có gốc ngoại tệ, phần lớn là USD. Đồng nội tệ lên giá đã giúp tỷ giá USD/VND giảm và là điểm tích cực đối với một doanh nghiệp có hơn 40.190 tỷ đồng vay bằng đồng đôla như Genco 3. Giảm gánh nặng tài chính cũng là nguyên nhân cho cú bật lợi nhuận của ông lớn ngành điện này. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đạt 1.460 đồng sau 6 tháng.
Các khoản phải thu tăng khá trong nửa đầu năm và tiếp tục là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Genco 3 âm 837 tỷ đồng. Cùng với việc tăng chi trả nợ gốc vay và mua sắm tài sản cố định, tiền và tương đương tiền của công ty giảm hơn 1.500 tỷ đồng, xuống còn 1.085 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021.
Cổ phiếu xác lập đỉnh giá mới, vốn hoá Genco 3 cán mốc tỷ đô
Cổ phiếu PGV của Genco 3 liên tục tăng giá trong một tháng gần đây. PGV đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8 ở mức giá 24.100 đồng/cổ phiếu, tăng kịch biên độ phiên hôm nay và tăng 37% chỉ sau 1 tháng. Điều này còn giúp Genco 3 gia nhập nhóm doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá tỷ đô của sàn chứng khoán Việt Nam với mức vốn hoá tại ngày 30/8 xấp xỉ 24.716 tỷ đồng.
Tại cuộc họp tổ chức hồi cuối tháng 5/2021, ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến việc chuyển sàn sẽ được thực hiện trong năm 2021 hoặc sau khi tình trạng nghẽn lệnh của hệ thống HoSE được giải quyết. Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn đã được giải quyết triệt để sau khi đưa vào vận hành hệ thống mới của FPT từ ngày 5/7. Ở thời điểm hiện tại, chưa có thông báo của sàn HoSE về việc nhận hồ sơ niêm yết của công ty này. Tuy nhiên, công ty vẫn còn 4 tháng cuối năm để hoàn tất mục tiêu trên.
Genco 3 đang sở hữu 30,55% vốn CTCP Vĩnh Sơn – Sông Hinh và 30% vốn Thuỷ điện Thác Bà. Đây đều là các công ty đang niêm yết trên HoSE. Genco 3 từng thực hiện bán đấu giá cổ phần VSH nhưng không thành công do mức giá khởi điểm 31.931 đồng cao hơn nhiều thị giá cổ phiếu ở thời điểm đó. Đầu năm 2021, Vĩnh Sơn Sông Hinh phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Genco 3 thực hiện toàn bộ quyền mua, qua đó tỷ lệ sở hữu được duy trì. Bước chuyển trong hoạt động kinh doanh của Vĩnh Sơn – Sông Hinh ghi nhận trong nửa đầu năm là đưa vào vận hành dự án trọng điểm Thượng Kon Tum.
Việc triển khai thoái vốn tại Vĩnh Sơn – Sông Hinh chưa ghi nhận động thái mới. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, lãnh đạo của Genco 3 cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch thoái vốn khỏi Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH), Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 và Điện Việt Lào đồng bộ với định hướng sắp xếp, tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.