- Doanh nghiệp nhà nước: Câu hỏi về khế ước giữa ông chủ và người đại diện
- Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 1: Mơ được là doanh nghiệp đúng nghĩa
- Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 2: Ngoài đất, doanh nghiệp nhà nước có gì?
- Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 3: Giải phóng nguồn lực
- Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 4: Chiếc áo mới và sứ mệnh lịch sử
Hành trình vật lộn đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển vẫn tiếp tục. Lần này là sự thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn của thế giới. Nhưng ai sẽ là người thực thi các nhiệm vụ này khi những chiếc ghế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp ngày càng nóng, nhiều rủi ro...
Với sự thay đổi khái niệm, bức tranh doanh nghiệp nhà nước sẽ có thêm những màu sắc rất khác kể từ năm 2021. Ảnh: Đức Thanh |
Bài 1: Khi người đại diện đòi khế ước
Kể từ ngày 1/1/2021, danh mục doanh nghiệp nhà nước sẽ kéo dài hơn, với sự xuất hiện trở lại của các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Đang có khá nhiều trăn trở từ những người... bước lại.
Chân dung doanh nghiệp nhà nước mới
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang có một tâm thế rất khác. “Từ ngày 1/1/2021, chúng tôi trở lại là doanh nghiệp nhà nước, theo Luật Doanh nghiệp 2020”, ông Trường nói.
Ngay lúc này, về mặt pháp lý, ông Trường và cả Vinatex chỉ là những người... liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước. Vinatex đã được cổ phần hóa cách đây 5 năm, Nhà nước còn 53,49% vốn điều lệ và Vinatex đang nằm trong quá trình tiếp tục thoái vốn nhà nước. Ông Trường là đại diện phần vốn nhà nước tại đây.
Tuy nhiên, một tháng nữa, khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, Vinatex sẽ có tên trong danh sách doanh nghiệp nhà nước, thuộc nhóm doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cùng với Vinatex, sẽ có hơn cả ngàn doanh nghiệp trở lại là doanh nghiệp nhà nước. Đây là các công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhóm còn lại là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đang có khoảng 500 doanh nghiệp, là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - con và công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, bức tranh doanh nghiệp nhà nước kể từ năm 2021 sẽ có thêm những màu sắc rất khác so với giai đoạn 5 năm trước, tính từ thời điểm có hiệu lực của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trăn trở của người... bước lại
Thực ra, các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối vẫn có tên trong các đánh giá về khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đầu tư của vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Trong niên giám thống kê hàng năm cũng như Sách Trắng doanh nghiệp năm 2020 do Tổng cục Thống kê phát hành, bảng phân tích cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, thì phần doanh nghiệp nhà nước được tính cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Trong đánh giá vai trò của khu vực này trong nền kinh tế, Vinatex, Vietnam Airlines... và nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối đều được nhắc tên là những người tiên phong...
Về tổ chức hoạt động, theo Luật Doanh nghiệp 2020, nhóm doanh nghiệp này cũng không có nhiều thay đổi so với hiện tại, khi vẫn tuân thủ quy định của hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần... Điểm khác lớn là các doanh nghiệp này sẽ phải tuân thủ quy định dành cho đối tượng là doanh nghiệp nhà nước ở một số luật, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kiểm toán nhà nước.
Nhưng tác động của sự thay đổi là tích cực. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp từng nhấn mạnh, cách phân loại này là để đảm bảo cơ chế quản trị, giám sát với doanh nghiệp tương ứng với mức vốn mà Nhà nước nắm giữ, chứ không phải cứ chi phối là làm gì cũng được. “Tới đây, cơ quan nhà nước khi làm việc với doanh nghiệp nhà nước sẽ phải xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ để ứng xử phù hợp”, ông Hiếu phân tích.
Nhưng ông Trường vẫn không thực sự an tâm trước thời điểm chuyển đổi.
Hiện tại, 48% vốn điều lệ trong Vinatex thuộc về các cổ đông ngoài nhà nước. Họ có thể có ý đồ chiến lược, tính toán khác với ông chủ Nhà nước khi đầu tư vào tập đoàn này. Đây là lý do mà nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp cổ phần luôn dựa trên nguyên tắc dung hòa quyền lợi của các cổ đông, lợi ích của doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước, như trường hợp của ông Trường, vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển của doanh nghiệp.
“Theo Điều 48, Điều 49, khoản 1, mục D của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) về quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, thì với những việc gì thuộc quyền hạn của hội đồng quản trị (HĐQT), hội đồng thành viên, người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu trước khi biểu quyết. Nói chung, cổ đông đều không hiểu người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có quyền hạn, trách nhiệm, vai trò và cả chuyên môn thế nào mà làm việc gì cũng phải đi xin”, ông Trường dốc bầu tâm tư.
HĐQT của Vinatex có 7 người, gồm 3 người là cổ đông tư nhân, 4 người là đại diện cổ đông nhà nước. Ông Trường kể, cứ mỗi khi họp bàn việc cần dứt điểm thì các cổ đông nhà nước lại phải thực hiện quy trình xin ý kiến trước khi biểu quyết, có lúc mất 2 tuần, có lúc 1 tháng, lúc 2 tháng...
Cách đây nhiều năm, khi Vinatex chưa cổ phần hóa, sự chờ đợi này là đương nhiên, hay nói như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thì khi nào có ý kiến mới làm. Khác với doanh nghiệp tư nhân, được toàn quyền với đồng tiền của mình, được làm những gì pháp luật không cấm, doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những điều mà chủ sở hữu quy định trong Điều lệ đã được Chính phủ phê duyệt.
Nhưng với công ty cổ phần, dù phần vốn nhà nước chi phối, sự chậm trễ sẽ làm khó doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các cổ đông khác trong doanh nghiệp.
Không phải các cơ quan quản lý nhà nước không biết việc này. Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương từng coi đây là một trong những điểm đầu tiên phải bàn tới khi tìm giải pháp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
“Vấn đề Chủ tịch Vinatex đặt ra rất thực tế. Nhiều khi xin ý kiến lâu, nhưng nhận ý kiến rồi có khi không biết xử lý thế nào. Trong kinh doanh, lâu là mất cơ hội; trong đầu tư, lâu làm tăng hệ số ICOR - căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp nhà nước có lý do này”, ông An chia sẻ quan điểm cá nhân.
Khế ước giữa ông chủ Nhà nước và người đại diện
Trong sự bất an của người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, có lỗi của cơ chế.
Luật số 69, Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định rất chi tiết về các nội dung mà người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp, người đại diện vốn của doanh nghiệp phải báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu, hay doanh nghiệp cử người đại diện trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của HĐQT, hội đồng thành viên.
“Mọi rắc rối nằm ở chỗ, cả hai văn bản trên đều có đoạn chốt là ‘các vấn đề, nhiệm vụ khác...’. Để đảm bảo an toàn, các doanh nghiệp và cả cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ, ngành đều ứng xử theo hướng báo cáo tất, xin tất, vì không biết rõ phần việc nào không cần. Thực sự, những người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp đang bị sức ép lớn vì cơ chế quá bó, hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), một trong những chuyên gia kỳ cựu về doanh nghiệp nhà nước thừa nhận.
Đây không phải là khúc mắc khó giải. Ông Trường cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là từ niềm tin của ông chủ và người đại diện phần vốn.
Về lý luận, 250 năm trước, Adam Smith, nhà kinh tế, chính trị học thế kỷ 18 đã xác định, chẳng bao giờ có niềm tin tuyệt đối của ông chủ và những người làm đại điện quản lý doanh nghiệp cho họ. Hai vị trí này luôn có khoảng cách trong suy nghĩ vì những lợi ích riêng có thể không trùng nhau. Để giải quyết, cơ chế ủy quyền, phân cấp đi cùng cơ chế giám sát, kiểm tra... được hình thành.
“Mối quan hệ giữa ông chủ Nhà nước và đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng tương tự như vậy, nếu rõ ràng, hoạt động sẽ thuận. Tôi nghĩ cần một khế ước”, ông Trường phân tích.
Khế ước giữa các vị trí này sẽ ghi rõ các vấn đề người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần báo cáo, xin ý kiến; còn lại giao quyền và giám sát thực thi bằng các mục tiêu.
Nhiều người đại diện vốn nhà nước chia sẻ quan điểm này. Bà Trần Thu Huyền, thành viên HĐQT, Giám đốc Khối Nhân sự VietinBank hình dung, thay vì cơ chế xin phê duyệt - được coi là tiền kiểm là cơ chế hậu kiểm - trao quyền cho người đại diện vốn, cùng với cơ chế giám sát.
“Cơ chế này sẽ nâng cao vai trò của thanh tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, làm rõ trách nhiệm chính trị, hành chính và dân sự trong quan hệ kinh tế đối với doanh nghiệp nhà nước”, bà Huyền nói.
Doanh nghiệp khó hoạt động do cơ chế thì việc thay đổi là tất yếu. Việc sửa đổi Luật số 69 đã có trong kế hoạch, nhưng thay đổi thế nào có lẽ vẫn là chủ đề nóng.
Số doanh nghiệp nhà nước: 2.269 (gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối), chiếm 0,38% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: 505, chiếm 0,18% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Số doanh nghiệp có lãi: 1.773, chiếm 78,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
436 doanh nghiệp lỗ, chiếm 19,3% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
ICOR ở khu vực doanh nghiệp nhà nước là 8-10, so với mức 3-5 ở khu vực tư nhân.
Số ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì 100% vốn điều lệ: 11.
Số ngành, lĩnh vực kinh doanh Nhà nước duy trì trên 50% vốn điều lệ: 23.
Nguồn: Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020
(Còn tiếp)