Chuyển động thị trường
Giá chung cư mới tại Hà Nội chạm mức 69 triệu đồng/m2; Hành vi lấn đất bị phạt tới 1 tỷ đồng
Thanh Vũ - 06/10/2024 09:26
Thủ tướng yêu cầu có gói 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội ngay trong tháng 10/2024; Đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa; Lượng giao dịch bất động sản tại An Giang chưa có chuyển biến mạnh.

Sau đây là tổng hợp các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần.

Thủ tướng yêu cầu có gói 30.000 tỷ đồng cho nhà xã hội ngay trong tháng 10/2024

Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ về hội nghị 10 năm phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng gói tín dụng mới 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo loại nhà ở này. Bộ Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thành trong tháng 10.

Các chính sách về nhà ở xã hội đang ngày càng được đẩy mạnh. Ảnh: Thanh Vũ


Nguồn lực của gói tín dụng này lấy từ ngân sách địa phương và khoảng 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, vốn của gói 30.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, khác với nguồn lực gói 120.000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.

Trước đó, cuối tháng 5/2024, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3 - 5% lãi vay thương mại, kỳ hạn kéo dài từ 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này thấp hơn gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, khi gói này có mức lãi chỉ thấp hơn 1,5 - 3% so với lãi vay thương mại.

Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất bị phạt tới 1 tỷ đồng

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 4/10/2024.

Trong đó, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý bị phạt từ 3 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.

Ngoài ra, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp kể trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì cũng bị phạt từ 3 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.

Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp kể trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc trường hợp kể trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng.

Nghị định quy định rõ đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định ở trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

Mức phạt từ 10 - 500 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa.

Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm.

Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác trái phép bị phạt tới 200 triệu đồng

Bên cạnh các quy định về hành vi lấn đất và chiếm đất, Nghị định 123/2024/NĐ-CP còn chỉ rõ mức phạt đối với từng trường hợp sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp bị phạt tiền từ 2 - 30 triệu đồng; hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 3 - 150 triệu đồng; hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã bị phạt từ 20 - 200 triệu đồng tùy theo diện tích đất vi phạm.

Nghị định nêu rõ hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tương ứng với quy định trên.

Nghị định quy định hành vi sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bị phạt từ 20 - 100 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.

Đề xuất xây dựng bảng giá đất chi tiết đến từng thửa

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết về xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Bảng giá đất mới sẽ xác định giá trị cụ thể của từng thửa. Ảnh: Thanh Vũ


Theo đó, giá đất chi tiết đến từng thửa được xác định trên cơ sở đánh giá điều kiện đặc tính và xác định vùng giá trị thửa đất. Trong đó, đặc tính thửa đất được nhà chức trách đánh giá dựa vào mục đích sử dụng, vị trí, giao thông, điều kiện về cấp điện, thoát nước, quy hoạch xây dựng và hiện trạng môi trường, an ninh.

Còn vùng giá trị xác định dựa vào ranh giới quanh thửa đất, cũng như khoảng cách đến trung tâm hành chính, chợ, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí.

Sau khi thu thập các thông tin này, cơ quan quản lý sẽ chọn thửa đất chuẩn, lập bảng so sánh để xác định, phân tích giá đất trong vùng giá trị, cũng như chênh lệch với các thửa liền kề cùng mục đích sử dụng. 

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân, giới chuyên môn về kết quả định giá này với lô đất tương tự đã giao dịch hoặc trúng đấu giá trên thị trường trong vòng 24 tháng. Việc này nhằm đưa ra giá chi tiết tới từng thửa đất một cách phù hợp, chính xác nhất.

Giá chung cư mới Hà Nội chạm mức 69 triệu đồng/m2

Trong báo cáo thị trường quý III/2024, phía Savills cho biết, giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, mức giá trung bình tại các dự án mới đã chạm mức 69 triệu đồng/m2, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, các căn hộ cũ cũng đã tăng giá 41% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 51 triệu đồng/m2.

Về sức cầu, số căn hộ bán được trong quý III/2024 tại Hà Nội đạt hơn 6.800 căn, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Trong đó, căn hộ trung cấp được tiêu thụ nhiều nhất khi chiếm tới 98% lượng giao dịch. Trong 9 tháng vừa qua, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2% của năm 2020. Còn phân khúc từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 29%.

Đáng chú ý, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho biết, chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm của phân khúc chung cư.

Tạm dừng đấu giá lô đất 10 tỷ đồng tại Nghệ An

Vào ngày 4/10, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Nghệ An ) cho biết, đơn vị này đã có thông báo tạm dừng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với 5 lô đất ở tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nguyên nhân tạm dừng xuất phát từ việc giá khởi điểm đấu giá những lô đất này được áp dụng là giá của hơn một năm trước. 

“Sau khi Phòng Tài nguyên có đề xuất, huyện Đô Lương đã họp và thống nhất dừng để làm lại giá. Giá mới có thể tăng lên hoặc giảm xuống thì chưa rõ nhưng kế hoạch là đang tạm dừng”, ông Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.

Trước đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản có thông báo tổ chức đấu giá 5 lô đất ở quy hoạch vùng Màu Hoa Trường ở xã Yên Sơn. Diện tích các lô đất dao động từ 149 - 194 m2

Trong đó, đợt đấu giá này có tới 3 lô giá khởi điểm từ 6,8 tỷ đồng, một lô hơn 8 tỷ đồng và một lô 9,8 tỷ đồng. Tính giá trị dựa trên diện tích, các lô đất này có giá khởi điểm khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2.

Lượng giao dịch bất động sản tại An Giang chưa có chuyển biến mạnh

Báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024 của Sở Xây dựng An Giang cho biết, theo số liệu ghi nhận chưa đầy đủ từ các đơn vị, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có chuyển biến mạnh, lượng giao dịch vẫn còn thấp.

Theo số liệu thống kê từ Cục Thuế tỉnh An Giang, trong quý III/2024, tổng giá trị giao dịch bất động sản là trên 492 tỷ đồng, bao gồm 21 căn chung cư, 33 đất nền và 231 nhà ở riêng lẻ. Con số này cao hơn quý I/2024 (148 tỷ đồng) và quý II/2024 (366,5 tỷ đồng). Cơ cấu sản phẩm chủ yếu vẫn là các dự án kinh doanh bất động sản theo hình thức phân lô bán nền hoặc xây nhà để bán.

Riêng các dự án du lịch - nghỉ dưỡng, văn phòng vẫn chưa được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện.

Keppel bán vốn trị giá 8.500 tỷ đồng tại dự án Saigon Sports City và Saigon Centre

Tập đoàn Keppel (Singapore) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc bán vốn tại hai dự án lớn ở TP.HCM là Saigon Sports City (TP. Thủ Đức) và Saigon Centre giai đoạn 3 (Quận 1).

Mô hình dự án Saigon Sports City. Ảnh: Trọng Tín

Cụ thể, đối với dự án Saigon Sports City, Keppel cho biết công ty con là Jencity Limited đang tiến hành thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Thể thao Sài Gòn - chủ đầu tư dự án trên.

Trong đó, Công ty TNHH HTV Đại Phước sẽ mua 35% vốn qua hai đợt (đợt 1 mua 5% và đợt 2 mua 30%). Ở đợt đầu tiên, Đại Phước sẽ thanh toán tiền mặt khoảng 320 tỷ đồng.

Tiếp đó, Đại Phước sẽ trả cho Jencity một khoản tiền mặt dao động từ khoảng 2.879 tỷ đồng đến 3.290 tỷ đồng tùy thuộc vào thời điểm các điều kiện chuyển nhượng được đáp ứng và tùy thuộc vào thời điểm hoàn tất, cho 30% vốn còn lại.

Bên mua 35% vốn thứ hai là Công ty cổ phần Bất động sản Vinobly. Công ty này sẽ trả từ 3.359 tỷ đồng đến 3.839 tỷ đồng cho hai đợt, tùy thuộc vào thời điểm đáp ứng các điều kiện tiên quyết và tùy thuộc vào điều chỉnh khi hoàn tất.

Giá trị được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa người mua và người bán, có tính đến giá trị tài sản ròng của 5% được ước tính khoảng 137 tỷ đồng, 30% được ước tính khoảng 821,9 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2024.

Như vậy, ước tính thương vụ này có giá trị giao dịch tối đa 7.450 tỷ đồng (tương đương hơn 302 triệu USD). Việc hoàn tất thoái vốn phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều kiện tiên quyết, bao gồm xin được các phê duyệt pháp lý dự án. Sau giao dịch, Jencity Limited vẫn nắm 30% vốn còn lại.

Tin liên quan
Tin khác