Quốc tế
Giá cổ phiếu tăng 1.000%, tỷ phú Ấn Độ vươn lên thành người giàu thứ 3 thế giới
Tư Thuần - 07/09/2022 07:15
Tên tuổi của doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani đang thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường toàn cầu khi khối tài sản tăng đột biến, trở thành người giàu thứ ba thế giới.

Chỉ trong thời gian ngắn, Gautam Adani trở thành người giàu nhất châu Á. Không lâu sau đó, khối tài sản của vị tỷ phú này vượt qua các tên tuổi Warren Buffett và Bill Gates, trở thành người giàu thứ ba trên hành tinh. Hiện tại, Gautam Adani chỉ còn 2 đối thủ là tỷ phú Jeff Bezos – ông chủ Amazon và Elon Musk – người sáng lập Tesla.

 Trong một năm mà rất nhiều tỷ phú chịu đòn đau, chứng kiến tài sản giảm sút chóng mặt, thì khối tài sản của Gautam Adani tăng gần gấp đôi, đạt 141,4 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index.

Động lực chính khiến gia tài của vị tỷ phú Ấn Độ này tăng trưởng nhanh chóng là biến động giá dầu và khí đốt tự nhiên. Các công ty do Gautam Adani sở hữu nổi bật hơn tất thảy khi giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm tới nay.

Hiện tại, giá cổ phiếu của Adani Green Energy Ltd và Adani Total Gas Ltd đang giao dịch với PE 750 lần, trong khi Adani Enterprises Ltd và Adani Transmission Ltd có PE đạt 400 lần. Trong khi đó, PE của cổ phiếu Tesla Inc và Amazon.com Inc vào khoảng 100 lần. Chưa kể, PE của cổ phiếu Reliance Industries của vị tỷ phú Ấn Độ nổi tiếng khác là Mukesh Ambani chỉ đạt 28 lần.

PE của các doanh nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phú Gautam Adani và một số tỷ phú khác

Khối tài sản kếch xù của Gautam Adani lập tức thu hút sự chú ý khi các công ty của ông đều sử dụng tỷ lệ đòn bẩy lớn và nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ của ông với chính phủ Ấn Độ.

Gautam Adani, 60 tuổi, đã chuyển hướng hoạt động kinh doanh theo sát định hướng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia trong dài hạn. Để làm được điều này, các doanh nghiệp của vị tỷ phú này sử dụng công cụ đòn bẩy. Trong báo cáo của mình, CreditSights đánh giá, đế chế của Gautam Adani “vay nợ quá nhiều”.

Trong những năm 1980, Gautam Adani đã từng hoạt động tại ngành công nghiệp kim cương, xây dựng đế chế của riêng mình trải dài ở rất nhiều lĩnh vực, từ hàng không cho tới trung tâm dữ liệu, truyền thông, xi măng… Năm 2021, vị tỷ phú này có sự chuyển hướng mạnh mẽ khi cam kết đầu tư 70 tỷ USD cho năng lượng xanh, mục tiêu trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.

Thông tin này lập tức được giới đầu tư tại thị trường chứng khoán “đánh giá cao”, thể hiện ở việc cổ phiếu một số doanh nghiệp trong tập đoàn của Gautam Adani tăng chóng mặt, có cổ phiếu tăng hơn 1.000% kể từ năm 2020.

Đà tăng mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất cao hơn làm dấy lên lo ngại về việc cấu trúc cổ đông tại các doanh nghiệp này không rõ ràng và thiếu sự giám sát/phân tích từ giới chuyên môn.

“Khó có thể hiểu được tại sao các cổ phiếu này lại tăng đột biến như vậy, bởi vì không có nhiều nhà đầu tư tổ chức tỏ ra quan tâm tới nhóm cổ phiếu này”, Hemindra Hazar, nhà nghiên cứu độc lập tại Mumbai chia sẻ.

Các chuyên gia tại CreditSight cảnh báo, việc sử dụng đòn bẩy quá lớn tại các doanh nghiệp của tỷ phú Adani tạo nên nhiều rủi ro, cần phải bơm thêm vốn vào các công ty để giảm tỷ lệ nợ vay. Chưa kể, việc bước chân vào lĩnh vực mới luôn kèm nhiều thử thách.

Đáp trả nhận định này, Adani Group cho biết, Tập đoàn đã cải thiện các chỉ số về nợ vay trong thập kỷ qua, với tỷ lệ đòn bẩy ở mức “lành mạnh” và phù hợp với thực tế tại các ngành mà doanh nghiệp hoạt động.

Dù đưa ra nhận định không mấy tích cực, nhưng CreditSights cho biết tập đoàn của tỷ phú Adani có mối quan hệ tốt với các ngân hàng cũng như chính quyền Thủ tướng Modi.

Trong khi đó, Sharon Chen - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết: “Adani không phải người duy nhất sử dụng đòn bẩy và các nhà băng sẵn lòng bơm vốn cho vị tỷ phú này. Chừng nào chính quyền của Thủ tướng Modi còn tồn tại, “sức mạnh” của Adani Group vẫn được giữ vững”. 

Tin liên quan
Tin khác