Quốc tế
Giá dầu Brent bứt lên mốc 70 USD, chứng khoán Nhật - Hàn vật vã kiếm lời
Lê Quân - 08/03/2021 22:02
Không riêng chứng khoán Nhật - Hàn, các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á - Thái Bình Dương cũng vật lộn tìm cửa tăng điểm trong ngày giao dịch 8/3.
Chỉ số Kospi để mất 1% còn 2.996,11 điểm trong ngày giao dịch 8/3. Ảnh: AFP

Giới phân tích nhận định, diễn biến tăng điểm khó khăn của thị trường khu vực phản ánh sự cẩn trọng của nhà đầu tư khi báo cáo việc làm của Mỹ trong tuần trước đã ngoài dự đoán của các nhà chuyên môn, đồng thời thúc đẩy triển vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi nhanh hơn.

Australia là thị trường chứng khoán hiếm hoi đóng cửa ngày giao dịch 8/3 trong sắc xanh. Chỉ số ASX 200 tăng khiêm tốn 0,43% lên 6.739,60 điểm khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đều tăng điểm, còn chỉ số riêng biệt tài chính đóng cửa tăng 0,5%. Cổ phiếu ngân hàng và khai khoáng là hai lực kéo chính cho đà tăng của chứng khoán Australia trong ngày giao dịch 8/3. Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng Commonwealth tăng 1,01%. Cổ phiếu Tập đoàn khoáng sản Rio Tinto vọt tăng 2,91%, theo sau là cổ phiếu Tập đoàn khai khoáng BHP tăng 2,38% và cổ phiếu của Công ty khai thác quặng Fortescue nhích 0,5%.

Tại Nhật Bản, đà tăng của nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng không cứu thị trường chứng khoán này thoát khỏi sắc đỏ. Chỉ số Nikkei 225 tuột mất đà tăng và đóng cửa giảm 0,42% xuống 28.743,25 điểm. Nổi bật trong nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng là Tập đoàn Nomura với cổ phiếu tăng 3,17%, theo sau là Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ với cổ phiếu tăng 2,83%, và Sumitomo Mitsui với mức tăng 2,14%. Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với chỉ số Topix khi chỉ số này cũng kết thúc ngày giao dịch trượt 0,14% xuống 1.893,58 điểm.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi để mất 1% còn 2.996,11. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng trượt đến 1,85% trong giờ giao dịch cuối ngày, còn chỉ số Hang Seng Tech lao dốc 6,69%.

Sắc đỏ cũng bao phủ thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Chỉ số Shanghai Composite rớt 2,3% còn 3.421,41 điểm, trong khi Shenzhen Component trượt 3,81% xuống 13.863,81 điểm.

Sắc đỏ chi phối thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch đầu tuần 8/3 là động thái theo chân ngày giao dịch kinh hoàng của Phố Wall vào đêm 5/3 - thời điểm thị trường hứng chịu làn sóng bán tháo mạnh mẽ sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ ghi nhận những chuyển biến tích cực hơn mong đợi, giúp triển vọng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Mỹ trở nên lạc quan hơn.

Các nhà phân tích tại Tập đoàn ANZ đánh giá: “Giới đầu tư vẫn cảnh giác đối với tác động của gói tài khóa thử nghiệm của chính quyền Biden lên lãi suất dài hạn, khiến thị trường vốn trở nên rủi ro hơn”. Các chuyên gia này cho rằng, bàn bạc biện pháp chống đỡ có thể chi phối nội dung cuộc họp chính sách giữa tháng 3 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD vào cuối tuần, trong đó sẽ chi trả trực tiếp lên tới 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ. Dự luật dự kiến sẽ được trình Tổng thống Joe Biden ký ban hành trước ngày 14/3 để gia hạn các chương trình trợ cấp thất nghiệp hiện hành.

Tháng trước, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định với các nhà lập pháp Mỹ rằng nền kinh tế nước này còn một chặng khá xa mục tiêu việc làm và lạm phát, đồng thời có thể sẽ cần thời gian để đạt được những mục tiêu xa hơn.

Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh đã mạnh lên đáng kể. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng 0,19% lên 92,155, từ mức 91,842 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật trao tay ở mức 108,47 JPY/USD, trong khi đô la Australia trượt giá 0,13% về mức 1 AUD đổi 0,7676 USD.

Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á hôm 8/3 trượt nhẹ sau khi tăng hơn 2%. Giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng 1,42% lên 67,03 USD/thùng còn giá dầu Brent giao kỳ hạn vẫn ở trên ngưỡng 70 USD, cụ thể đạt mức 70,39 USD/thùng sau khi tăng 1,49%.

Saudi Arabia vừa xác nhận các cơ sở dầu mỏ của nước này đã bị tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào ngày 7/3. Một phát ngôn viên của phiến quân Houthi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này.

Tuần trước, OPEC và các đồng minh dầu mỏ, gọi tắt OPEC+, đã đạt được đồng thuận rằng liên minh này giữ sản lượng ổn định cho đến tháng 4 trong khi Saudi Arabia khẳng định nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng tới.

Tin liên quan
Tin khác