Năm 2015, trong khi doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí phải cắt giảm hoạt động thì doanh nghiệp dịch vụ dầu khí lại có doanh thu và lợi nhuận tăng |
Lợi nhuận khai thác tụt mạnh
Giá dầu ngày 8/1/2016 tiếp tục ở mức thấp với 33,16 USD/thùng cho dầu WTI và 33,55 USD/thùng cho dầu Brent. Với mức giá này, mảng hoạt động chính yếu của PVN là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Liên doanh Việt –Nga “Vietsovpetro” (VSP) cho hay, năm 2016, tình hình khó khăn hơn năm 2015, do giá dầu hiện nay dưới giá hoà vốn. Năm 2015, chi phí sản xuất của VSP là 23,7 USD/thùng, chi phí hoà vốn khoảng 37 USD/thùng và giá bán bình quân là 56 USD/thùng. Còn hiện tại, khi giá bán chỉ dưới 35 USD/thùng, tức là dưới chi phí hoà vốn, yêu cầu tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao được hiệu quả hoạt động tiếp tục được VSP đặt ra mạnh mẽ.
“VSP phải nghiên cứu các giải pháp để đưa chi phí sản xuất về dưới 20 USD/thùng mới đảm bảo lợi nhuận được cho Tập đoàn và phía đối tác Nga”, ông Nghĩa nói.
Dẫu vậy, tương lai của giá dầu là điều không thể đoán định được. Đã có dự báo giá dầu sẽ giảm xuống dưới 25 USD/thùng được đưa ra. Bởi vậy, trong kế hoạch của năm 2016, PVN đã đưa ra 7 phương án giá dầu với các mức 65 USD, 55 USD, 50 USD, 45 USD, 40 USD, 35 USD và 30 USD một thùng để xây dựng các kế hoạch tài chính.
Với mức giá dầu 65 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất của PVN sẽ đạt 275.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 22.800 tỷ đồng. Còn với phương án giá dầu 30 USD/thùng, tổng doanh thu hợp nhất sẽ là 141.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 10.400 tỷ đồng; tức là giảm một nửa so với phương án giá dầu 65 USD/thùng.
Giá dầu giảm, việc cắt giảm nhiều hoạt động ngay lập tức được các doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí thực thi.
Tại VSP, với thực tế các chi phí chỉ được gói trong 35% doanh thu bán dầu, nên việc cắt giảm, giãn tiến độ nhiều dự án chưa cần thiết hay đóng một số giàn, giếng có chi phí sản xuất cao, vượt qua doanh thu bán dầu thu được từ các giàn này đã được triển khai. Ông Nghĩa cho hay, các biện pháp này đã giúp tiết giảm hơn 400 triệu USD, nhưng VSP vẫn mất cân đối 230 triệu USD về tài chính. Để khắc phục, VSP đã phải tạm sử dụng nguồn tiền của quỹ kết dư từ sản xuất đang có là 280 triệu USD. Về lâu dài, giải pháp được đề nghị cho phép tăng tỷ lệ chi phí lên 45% doanh thu.
Tại Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), một doanh nghiệp trụ cột khác của PVN, với giá dầu năm 2015, PVEP tuy đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, nhưng không thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Con số 20 tỷ đồng lợi nhuận mà PVEP đạt được trong riêng năm 2015 rất khiêm tốn nếu so với mức lợi nhuận hợp nhất 61.980 tỷ đồng mà đơn vị này đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015.
Lợi nhuận dịch vụ dầu khí tăng
Tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và bàn phương hướng hoạt động năm 2016, lãnh đạo PVN chính thức đề nghị Chính phủ cho phép được đàm phán trực tiếp, thay vì tiến hành đấu thầu, với nhiều hạng mục cung cấp dịch vụ dầu khí như vận chuyển dầu, cung cấp dịch vụ khoan trọn gói, hoá phẩm cho ngành dầu khí hay kinh doanh kho nổi, tàu lai dắt trước tình trạng một số đơn vị ngoài ngành đang chào giá thấp.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc PVN cho hay, nếu được đàm phán trực tiếp, PVN sẽ có trách nhiệm để đảm bảo giá thành cạnh tranh.
Nhưng cũng có một thực tế được chính các lãnh đạo PVN thừa nhận, trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí phải cắt giảm nhiều hoạt động và bị giảm mạnh lợi nhuận do giá dầu giảm, thì doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị dịch vụ dầu khí thuộc PVN trong năm 2015 đều tăng.
Đơn cử như Tổng công ty Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVDrilling), doanh thu cao hơn 4,4%, lợi nhuận cũng tăng 10% so với kế hoạch đặt ra cho năm 2015. Tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), doanh thu tăng 1,3%; lợi nhuận tăng 45%. Đặc biệt, tại Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PV Trans), doanh thu tăng 12%, còn lợi nhuận tăng tới 116%; Tổng công ty Dung dịch khoan và hoá phẩm dầu khí (DMC) doanh thu không tăng, nhưng lợi nhuận tăng 7%...