Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đã chịu nhiều tác động trái chiều từ sự giảm giá dầu, trong đó tác động tích cực được cho là lớn hơn tiêu cực. Nhờ giá dầu giảm, chi phí đầu vào giảm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Lạm phát cũng vì thế được kiểm soát tốt hơn, áp lực tới cân đối ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu cũng giảm bớt…
Năm nay, tăng trưởng GDP nhiều khả năng đạt trên 6,5%, còn lạm phát được kiềm chế dưới 1%. Đây là một năm thành công với nền kinh tế Việt Nam, cho dù khi giá dầu thô giảm mạnh, nhiều mối lo về việc kinh tế tăng trưởng chậm lại, hụt thu ngân sách đã được đặt ra.
Khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Giá dầu thô giảm đã làm giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và làm giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng các tính toán cho thấy, mặc dù thu từ dầu thô giảm, song do thu nội địa tăng, nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn ước tăng 7,4% so với năm trước, tính chung 5 năm 2011 - 2015 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước.
Như vậy, nếu đặt lên bàn cân, xem ra giá dầu giảm có lợi hơn đối Việt Nam, một quốc gia xuất khẩu dầu thô, nhưng đồng thời phải nhập khẩu một số lượng lớn xăng dầu. Tuy nhiên, vấn đề là, năm 2015, giá dầu vẫn còn bình quân xoay quanh ngưỡng 55 - 60 USD/thùng, còn ở thời điểm này, giá dầu chỉ ở mức trên 30 USD/thùng.
Một kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được công bố mới đây đã đưa ra 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam, tương ứng với giá dầu ở mức 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng. Ở kịch bản xấu nhất, tức là 30 USD/thùng, năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị giảm tới 1,36 điểm phần trăm. Trong khi đó, cú sốc giá dầu giảm này sẽ làm lạm phát của Việt Nam giảm 3,95 điểm phần trăm và nền kinh tế ở trong tình trạng giảm phát sâu.
Tất nhiên, với các kịch bản 40 USD và 50 USD, các tác động tích cực hơn. Nhưng ngay cả với kịch bản 50 USD, thì năm 2016, GDP của Việt Nam cũng sẽ giảm khoảng 0,42 điểm phần trăm. Rõ ràng, giữa giá dầu ở mức 55 - 60 USD và 30 USD hiện nay là một khoảng cách rất xa và điều đó cũng có nghĩa rằng, các tác động của việc giá dầu giảm sâu sau khi cân đong đo đếm lợi - hại không hẳn nghiêng về phía “tích cực” với nền kinh tế Việt Nam nữa.
Việt Nam sắp bước sang năm kế hoạch 2016, với mục tiêu hàng đầu là đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Nếu giá dầu giảm sâu như hiện nay, thậm chí giảm thêm nữa theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, tác động tới kinh tế Việt Nam là khôn lường.
Các dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia có thể chỉ là những tính toán về lý thuyết, nhưng đó cũng là một nguồn để tham khảo khi Chính phủ đang chuẩn bị cho việc ban hành nghị quyết về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội cho năm 2016.
Thực tế trên đang đặt ra những thách thức cho nền kinh tế trong năm 2016, đồng thời cũng đặt trách nhiệm lên vai Chính phủ. Cần thiết phải xây dựng các phương án để chủ động ứng phó với trường hợp giá dầu giảm sâu, bởi giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tới thu - chi ngân sách, xuất nhập khẩu, tới tăng trưởng kinh tế, thậm chí là tới các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực trọng yếu này của nền kinh tế. Nếu thiếu sự chủ động, hệ lụy tới nền kinh tế là khôn lường.