Một trạm bơm tại mỏ dầu thuộc sở hữu của Công ty Bashneft, phía Tây Bắc thành phố Ufa, Bashkortostan, Nga. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, Trung Quốc đã phát tín hiệu nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (gọi chung là OPEC+) tuyên bố không thay đổi mục tiêu sản lượng.
Thêm vào đó, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tương tự, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là 60 USD/thùng, chấm dứt những bất đồng, tranh cãi về tác động đến thị trường năng lượng.
Cụ thể, các nước G7 thống nhất áp mức trần giá là 60 USD đối với dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển của Nga và một lệnh cấm đối với dầu thô của Nga cùng có hiệu lực vào ngày 5/12. Tuy nhiên, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Quốc dân Australia (BBA) cho biết: "Không rõ điều này sẽ có tác động gì đến xuất khẩu của Nga và Nga sẽ phản ứng ra sao".
Điện Kremlin trước đó đã cảnh báo rằng họ sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt và tán thành mức giá trần.
Giá dầu giao kỳ hạn đều tăng hơn 2% ngay đầu phiên giao dịch ở châu Á sau khi OPEC+ nhất trí duy trì chính sách sản lượng hiện tại là giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới từ tháng 11/2022 đến cuối năm 2023.
Theo đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã tăng tới 2,37% lên 87,60 USD/thùng, còn giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ tăng 2,27% lên 81,84 USD/thùng.
Bà Amrita Sen, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, đánh giá: "Quyết định đúng đắn [của OPEC] là giữ ổn định, đặc biệt là nếu không biết sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ giảm bao nhiêu sau ngày hôm nay".
Trong khi đó, một nhà phân tích khác cho rằng việc áp trần giá dầu là "phi tác dụng" bởi giá dầu chịu tác động từ các yếu tố khác, chẳng hạn như triển vọng mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Ông Edward Morse, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Tập đoàn Citi, đánh giá rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga sẽ không gây ra bất kỳ tác động nào, trừ khi Moscow tiếp tục đe dọa và tuyên bố sẽ không xuất khẩu với số lượng cụ thể hoặc vì bất kỳ lý do khác, nhưng đến nay chuyên gia Tập đoàn Citi cho rằng điều đó sẽ khó xảy ra.
Sự lạc quan của giới giao dịch cũng là nhân tố tích cực đối với thị trường dầu mỏ trong ngày 5/12 bởi họ đặt kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế khi quốc gia này phát tín hiệu nới lỏng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
"Thị trường đang chuyển động theo tâm lý lạc quan về việc Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại và lo ngại về đồng đô la Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ tăng lãi suất", ông Morse lý giải.
Ông Jun Rong Yeap, chiến lược gia tại Công ty môi giới giao dịch IG International lý giải, giá dầu thô Brent đã tăng rõ rệt trong phiên giao dịch ngày 5/12 có phần chịu tác động từ những suy đoán rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng này. Ông Yeap dự đoán rằng giá dầu trong dài hạn sẽ mắc kẹt trong ngưỡng 80 - 100 USD/thùng.