Trong báo cáo thị trường tháng 7, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày. Ảnh: Pixabay |
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 9 cent, tương đương 0,11%, xuống còn 79,07 USD/thùng vào lúc 00:30 GMT ngày 9/8. Tương tự, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ đã giảm một xu xuống còn 76,09 USD/thùng.
Tuy nhiên, cả Brent và WTI đều tăng giá hơn 3% trong tuần này.
Các lực lượng Israel đã tăng cường các cuộc không kích trên khắp Dải Gaza vào ngày 8/8, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng, các bác sĩ Palestine cho biết. Động thái này là một phần trong cuộc chiến tiếp theo với các chiến binh do nhóm vũ trang Hamas lãnh đạo trong bối cảnh Israel chuẩn bị cho cuộc chiến tranh rộng hơn có thể xảy ra ở khu vực.
Ông Daniel Hynes, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại tập đoàn ANZ, đánh giá: "Dầu thô tiếp tục phục hồi sau đợt lao dốc gần đây khi các rủi ro địa chính trị gia tăng được chú ý".
Việc các thành viên cấp cao của hai nhóm vũ trang Hamas và Hezbollah bị sát hại vào tuần trước đã làm dấy lên khả năng Iran sẽ tấn công trả đũa Israel, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu mỏ ở khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.
Các chiến binh Houthi liên kết với Iran tiếp tục tấn công vào tàu vận chuyển quốc tế gần Yemen trong tuần này để đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Cơ quan quản lý hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) hôm 8/8 cho biết họ đã nhận được báo cáo về một sự cố gần bờ biển Mokha, một thành phố cảng ở Yemen.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara của mình từ ngày 7/8, đồng thời cho biết tập đoàn này đã dần cắt giảm sản lượng của mỏ dầu Sharara vì các cuộc biểu tình.
Tại Mỹ, giá cả các mặt hàng tăng lên sau khi dữ liệu cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tại Mỹ đã giảm 17.000 xuống mức điều chỉnh theo mùa là 233.000 trong tuần trước, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 11 tháng qua, theo công bố của Bộ Lao động. Điều này phản ánh nỗi lo về thị trường lao động suy yếu đã bị thổi phồng, đồng thời làm dịu đi mối lo về suy thoái kinh tế.
Đồng đô la Mỹ đã tăng giá đáng kể so với đồng yên sau thông tin tích cực về thị trường lao động Mỹ. Chỉ số đô la, thước đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 đồng tiền mạnh khác, hôm 8/8 đã đạt mức 103,21, cao hơn mức thấp nhất trong 7 tháng qua là 102,15.
Đồng đô la Mỹ mạnh hơn có xu hướng làm giảm giá dầu vì người mua sử dụng các loại tiền tệ khác phải trả nhiều tiền hơn cho dầu thô vốn được định giá bằng đô la Mỹ.
Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco, ông Amin Nasser, tuần này cho biết nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 1,6 triệu đến 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, đồng thời lưu ý rằng đợt bán tháo dầu mỏ trong tuần qua không phản ánh các nguyên lý cơ bản của thị trường.
Saudi Aramco dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu đạt 104,7 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024, giám đốc điều hành công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới cho biết trong buổi công bố lợi nhuận quý II/2024.
Một số nhà phân tích dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên trên 106 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm, ông Nasser nói thêm.
Quan điểm của Aramco về tăng trưởng nhu cầu trong năm nay gần với dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hơn là dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - cơ quan đã cảnh báo mức tiêu thụ yếu của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã giữ nguyên dự báo thận trọng về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm sau, với ước tính nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 970.000 thùng/ngày trong năm 2024 và 980.000 thùng/ngày vào năm 2025.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế tiếp tục vênh hơn 1 triệu thùng/ngày so với ước tính của OPEC. Trong báo cáo tháng 7, OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày.