Sau quyết định điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 16 tỉnh, thành phố, thì không nằm ngoài dự đoán, tháng 8/2016, CPI nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 6,18% so với tháng trước. Trong đó, chỉ riêng nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 8,12% góp phần làm cho CPI của cả nước trong tháng 8/2016 tăng 0,28%.
Tuy vậy, bất chấp mức tăng mạnh của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, CPI chung của cả nước trong tháng 8/2016 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước. Trong khi đó, nếu tính bình quân, thì CPI 8 tháng đầu năm 2016 tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%.
Bất chấp mức tăng mạnh của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, CPI chung của cả nước trong tháng 8/2016 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước |
Như vậy, lạm phát cho tới sau 8 tháng - theo cách tính của Việt Nam - hiện mới chỉ ở mức 2,58%, còn cách xa mục tiêu điều hành 5% trong năm nay.
Nếu áp dụng cách tính mới mà Tổng cục Thống kê đang đề xuất Chính phủ thông qua và áp dụng, thì lạm phát của Việt Nam hiện ở mức 1,91%.
Cả hai mức lạm phát này vẫn đang ở trong tầm kiểm soát và có thể nói, vẫn là mức lạm phát thấp trong vòng 10 năm trở lại đây. Diễn biến này cho thấy, nhiều khả năng, năm nay lạm phát sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 trong 10 năm gần đây (Đơn vị tính:%):
Năm 2007 | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | |
CPI tháng 8 năm báo cáo so với tháng trước | 0,55 | 1,56 | 0,24 | 0,23 | 0,93 | 0,63 | 0,83 | 0,22 | -0,07 | 0,1 |
CPI tháng 8 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước | 8,57 | 28,32 | 1,97 | 8,18 | 23,02 | 5,04 | 7,5 | 4,31 | 0,61 | 2,57 |
CPI bình quân năm so với năm trước | 8,3 | 22,97 | 6,88 | 9,19 | 18,58 | 9,21 | 6,6 | 4,09 | 0,63 | KH 5% |
Quay trở lại với diễn biến giá cả hàng hóa trong tháng 8/2016, ngoài giá thuốc và dịch vụ y tế tăng cao, thì việc một số địa phương tăng học phí theo lộ trình, cũng như việc thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao, làm cho giá nước, giá điện sinh hoạt tăng, cũng đã tác động tới CPI chung của cả nước.
Trong tháng qua, trong rổ hàng hóa tính CPI, ngoài thuốc và dịch vụ y tế, các nhóm hàng khác đều tăng giá không đáng kể. Chẳng hạn, giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%...
Thậm chí, giá nhóm hàng giao thông còn giảm mạnh, giảm tới 1,97% so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; bưu chính - viễn thông giảm 0,03% và nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.
Trong khi đó, trong tháng qua cũng ghi nhận mức tăng giá khá mạnh của giá vàng, lên tới 1,72%.
Giá vàng trog nước đã biến động theo giá vàng thế giới. Sau cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 7, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất khi mà nhiều số liệu vĩ mô của Mỹ chưa thực sự ổn định và chịu ảnh hưởng của sự kiện Brexit. Quyết định đó đã kéo giá vàng tăng vọt cao nhất trong 2 năm qua, ngày 15 tháng 8 năm 2016 giá vàng thế giới ở mức 1.342 USD/ounce. Theo đó, bình quân giá vàng trong nước ngày 15 tháng 8 năm 2016 dao động quanh mức 3.660.000 đồng/chỉ vàng SJC.
Còn giá USD đã lại giảm 0,05% so với tháng trước. Sau sự kiện Brexit, diễn biến tỷ giá trong nước gần như không có biến động nào đáng kể, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất. Do đó, tỷ giá VND/USD tháng này giảm nhẹ xoay quanh 22.330 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ. 8 tháng đầu năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 1,81% so cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, trong tháng 8, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố chủ quan đó là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá sát với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.