TIN LIÊN QUAN | |
Xem xét khả năng tăng giá điện | |
Tăng năng suất, giảm tổn thất điện năng | |
EVN đề xuất tính phí môi trường vào giá điện | |
Công bố EVN lãi gần 5.000 tỷ đồng |
Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đệ trình 3 phương án điều chỉnh giá điện tới các cơ quan hữu trách, nhưng việc chốt phương án và thời điểm tăng giá vẫn đang bỏ ngỏ.
Giai đoạn 2015 - 2020, các dự án điện cần vốn đầu tư 7,5 tỷ USD/năm |
Dẫu vậy, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2015 của Chính phủ tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã tái khẳng định việc “kiên định điều hành giá theo thị trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, điện, than”. Cụ thể, với giá điện vẫn kiên định theo thị trường, không bán lỗ, nhưng phải hợp lý, rõ ràng và minh bạch.
Trước đó, ngày 14/1/2015, khi thuyết trình với các cơ quan hữu trách Dự thảo Báo cáo cuối cùng về xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thành viên, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra các khuyến nghị rõ ràng về giá điện. Theo đó, tăng giá điện là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất có thể để cải thiện tình hình tài chính của ngành điện đang tiếp tục quay về tình trạng thua lỗ và quan trọng hơn là để thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu phụ tải dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.
Dự án này, được nghiên cứu độc lập bởi các chuyên gia quốc tế, cũng chỉ ra các thách thức đan xen trong 3 - 10 năm tới của ngành điện mà trọng tâm là các nhu cầu đầu tư với mục tiêu tổng thể nhằm xây dựng kế hoạch tái cơ cấu tài chính cho EVN và ngành năng lượng Việt Nam.
Theo tính toán của các chuyên gia của WB, sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân 14,3%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, nhu cầu điện năng của Việt Nam dự báo tăng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải ở mức 7,5 tỷ USD/năm, lớn hơn nhiều so với con số 2,5 - 2,6 tỷ USD trong năm 2012.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế, trên 70% vốn đầu tư vào các nguồn điện mới hiện nay dự kiến sẽ đến từ khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập).
Tuy nhiên, ngay cả khi có sự tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân, thì theo Báo cáo, EVN sẽ vẫn phải đầu tư một khoản khá lớn, cỡ 28 tỷ USD cho đến năm 2020 và với quy mô lớn như vậy, sẽ rất khó huy động vốn nếu không có biểu giá điện phù hợp.
Việc giá điện không tăng từ tháng 8/2013 đã được các chuyên gia quốc tế của WB rất quan tâm khi cho hay, các nhà đầu tư tư nhân chỉ đầu tư vào các dự án phát điện nếu giá điện phản ánh chi phí và bao gồm cả các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thủy văn.
Giá điện cũng được coi là “nút thắt” quan trọng cần tháo gỡ để cải thiện tình hình tài chính của EVN. Trên thực tế, EVN gặp nhiều khó khăn trước những thách thức, rủi ro về thủy văn, chênh lệch tỷ giá, quản lý nợ, khả năng thu hút vốn tư nhân, phản ứng từ khách hàng và quản trị doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng xem xét khả năng cải thiện tình trạng của EVN thông qua cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động và đi tới kết luận, dù còn nhiều biện pháp để thực hiện, như xử lý các tài sản không thiết yếu, cắt giảm lao động, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, nhưng các biện pháp này “không đủ để giải quyết những thách thức về tài chính của EVN”.
Từ các phân tích cụ thể, Báo cáo khuyến nghị, từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% cho mỗi chu kỳ 6 tháng. “Sau đó, nhu cầu về tăng giá sẽ giảm xuống và biểu giá điện cần được điều chỉnh ở mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến”, Báo cáo của WB viết.
Thanh Hương