Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 tại TP.Cần Thơ. |
Sáng 26/4, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo thời gian tới.
Xuất khẩu gạo "thắng lớn"
Tiếp đà tăng trưởng của năm trước, hoạt động xuất khẩu gạo, loại nông sản đóng góp doanh thu xuất khẩu lớn đã thu về những kết quả ấn tượng ngay trong quý đầu năm 2024.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hết quý I/2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá.
Quý I/2024, gạo xuất khẩu tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch, Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% về kim ngạch.
Giá gạo xuất khẩu sang cả 3 thị trường này đều tăng rất mạnh, trong đó giá xuất khẩu sang Indonesia tăng 36,4%, Malaysia tăng tăng 24,7% .
Không chỉ tăng về sản lượng, kim ngạch lẫn giá, Việt Nam gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.
Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, hay châu Phi, cũng đã mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, … với giá trị cao tuy khối lượng chưa lớn.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh đó, thương nhân cũng tận dụng tốt cơ hội trong những thách thức từ thị trường thương mại lương thực toàn cầu để trở thành nguồn cung thay thế ở nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Chile.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như EU.
Nhiều yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo
Phân tích thêm những yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới. ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay: "Tình trạng xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm trong tháng 4 và 5 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024".
Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, căng thẳng Biển Đỏ tiếp tục gây ảnh hưởng tới tâm lý giao thương, quá trình giao nhận, giá cả nhiều mặt hàng quan trọng (dầu, nguyên liệu sản xuất, lương thực…), khoảng 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa.
Tuy các mặt hàng lúa mỳ và ngô là hai mặt hàng lương thực thuộc phân khúc tiêu dùng khác nhưng phần nào sẽ tác động đến giá gạo trong thời điểm nhất định.
"Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024 có tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và EU do vẫn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Ngành gạo cần tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại”, ông Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị.
Thực tế, xuất khẩu gạo năm qua dù đạt kỷ lục trên 8 triệu tấn, nhưng chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu gạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, khó lường bởi lạm phát và xung đột địa chính trị toàn cầu.
Do đó, cần theo dõi sát tình hình thời vụ và diễn biến thị trường thế giới để có kế hoạch sản xuất, thu mua, chế biến, cất trữ, bảo quản và xuất khẩu phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Đồng thời xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với vùng trồng, người sản xuất và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá.
Để thúc đẩy xuất khẩu gạo, Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống như Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc,…; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà doanh nghiệp Việt đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là EU, Hàn Quốc. khu vực Bắc Mỹ,…