Các nhà giao dịch dự báo thị trường khí đốt tự nhiên sẽ có biến động lớn, đặc biệt là trong mùa đông do cung - cầu dao động mạnh. Ảnh: AFP |
Giá khí đốt tự nhiên giao kỳ hạn tăng 16% trong ngày giao dịch 2/2 và đóng cửa ở mức 5,50 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU). Mức giá này tiệm cận mức cao nhất thiết lập hồi tháng 11/2021. Trước đó, giá khí đốt tự nhiên giao kỳ hạn đã tăng dựng đứng 55% sau khi giảm xuống còn 3,56 USD vào ngày 30/12/2021.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt 16% trong ngày giao dịch 2/2 sẽ khiến chi phí sưởi ấm của hàng triệu hộ gia đình Mỹ tăng cao, kéo theo thêm nhiều vấn đề lạm phát.
Giới giao dịch dự báo giá khí đốt tự nhiên sẽ biến động cực kỳ lớn, đặc biệt là trong mùa đông do cung - cầu dao động mạnh. Những dự báo này xuất phát từ một cơn bão mùa đông lớn được cho là sẽ phủ băng tuyết lên phần lớn diện tích nước Mỹ. Cụ thể, hơn 100 triệu người Mỹ sinh sống từ khu vực dãy núi Rocky đến khu vực New England, trong đó có cả "thủ phủ dầu mỏ" Texas, được cảnh báo sẽ hứng chịu thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Cơn bão mùa đông khắc nghiệt có thể sẽ buộc người Mỹ phải tăng nhiệt độ sưởi ấm trong nhà, khiến nhu tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng cao. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh năng lượng Mỹ dự đoán một số hoạt động sản xuất khí đốt có thể phải ngừng hoạt động do nhiệt độ lạnh bất thường. Hiện tượng này từng đã xảy ra vào đầu năm ngoái khi Texas hứng chịu đợt băng giá và mất điện trên diện rộng.
Trong khi đó, tại châu Âu, trước tình trạng khí đốt tự nhiên tăng vọt, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một đề xuất bị trì hoãn lâu nay rằng họ chỉ định bổ sung khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân vào các nguồn năng lượng "bền vững".
Việc EC đưa hai nguồn năng lượng trên vào danh sách năng lượng xanh được kỳ vọng mở ra một làn sóng đầu tư tư nhân vào các dự án hạt nhân và khí đốt mới. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã chọc giận các nhà vận động chống biến đổi khí hậu và có thể bị chặn đứng bởi các nhà lập pháp châu Âu vốn dĩ đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Ủy viên Dịch vụ Tài chính EU, bà Mairead McGuinness, lý giải rằng khí đốt tự nhiên chỉ được đưa vào như một nguồn nhiên liệu "chuyển tiếp" tiến tới năng lượng xanh và nó sẽ được đi kèm với các điều kiện "nghiêm ngặt". "Sau cùng vẫn là một tương lai các-bon thấp được cung cấp năng lượng tái tạo. Chúng tôi chưa có đủ khả năng cho điều đó", bà Mairead McGuinness nhấn mạnh.
Chỉ có 4 quốc gia, gồm Tây Ban Nha, Áo, Đan Mạch, và Luxembourg, đã công khai lên tiếng phản đối đề xuất bổ sung cả khí đốt tự nhiên và hạt nhân vào danh mục các nguồn năng lượng bền vững, còn các quốc gia thành viên EU khác, kể cả Đức và Pháp đều ủng hộ ít nhất một trong hai nguồn năng lượng này.
Đề xuất trên của Ủy ban châu Âu đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu khí đốt tự nhiên - một loại nhiên liệu hóa thạch góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu - có nên đóng một vai trò nào đó trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hay không và trong bao lâu. Khí đốt tự nhiên được đánh giá thải ra ít CO2 hơn than đá, nhưng các nhà vận động chống biến đổi khí hậu cho rằng cần phải tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và việc hỗ trợ các dự án khí đốt mới sẽ chỉ kéo dài tuổi thọ của nhiên liệu hóa thạch.