Du lịch
Gia Lai - Điểm đến xanh, giàu bản sắc
Thanh Chung - 02/01/2024 08:49
Ngành du lịch tỉnh Gia Lai đang chuyển mình tích cực và vươn mình theo nhịp phát triển chung của đất nước. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển du lịch xanh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 thu hút hơn 40.000 lượt khách tham gia

Phát triển và bảo tồn di sản

Thời gian qua, ngành du lịch của tỉnh Gia Lai phát triển mạnh mẽ, đặt biệt thực hiện vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Cụ thể, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai trong năm 2023 đạt 1.200 lượt, tăng 25% so với năm 2022, vượt 9% chỉ tiêu kế hoạch năm; tổng thu du lịch ước đạt 790 tỷ đồng, tăng 27,4% so với năm 2022, vượt 12,86% chỉ tiêu kế hoạch.

Trong đó, nổi bật là sự kiện Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai trong Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân các dân tộc đến từ 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Sự kiện này đã thu hút hơn 40.000 lượt khách tham gia.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, bắt đầu từ năm 2022, Chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm được tổ chức vào tối thứ bảy hằng tuần và các ngày lễ. Bên cạnh đó, từ ngày 8/10/2023, Chương trình Sắc màu văn hoá Gia Lai - Bảo tồn và phát triển trình diễn số đầu tiên và duy trì đến hết năm 2023.

Ông Hoàng cho hay, bên cạnh một số đoàn dân tộc phía Bắc tham gia Chương trình Sắc màu văn hoá Gia Lai - Bảo tồn và phát triển, đa số là các đoàn nghệ nhân Bahnar, Jrai với nội dung chủ đạo là trình diễn cồng chiêng và tái hiện không gian sinh hoạt hằng ngày, không gian lễ hội với sự xuất hiện không thể thiếu của cồng chiêng. Các chương trình thu hút đông đảo khán giả quan tâm, tham gia trải nghiệm.

Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm ra đời đã tạo điều kiện để cồng chiêng được trở về với môi trường vốn có, các nghệ nhân được tự nhiên thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Cồng chiêng cuối tuần cũng trở thành trải nghiệm thú vị cho du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai.

“Những hoạt động trên đã mang lại một số hiệu quả nhất định, không chỉ về kinh tế, mà đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng trong cộng đồng các dân tộc Bahnar, Jrai của tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, thời gian gần đây, ngành du lịch của tỉnh đã có bước phục hồi hết sức mạnh mẽ”, ông Hoàng nói.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, mỗi đêm tổ chức, “Cồng chiêng cuối tuần” thu hút hàng ngàn lượt du khách và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng suang (múa) cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai.

Với kết quả trên, “Cồng chiêng cuối tuần” đã bước đầu gặt hái thành công trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

“Sự kiện là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong dịp cuối năm, đồng thời mở ra nhiều kỳ vọng cho bức tranh du lịch trong năm mới. Là ngành kinh tế tổng hợp, nên khi các ngành, đơn vị, địa phương cùng bắt tay thực hiện, thì đó là cách để thể hiện trách nhiệm, đồng thời quảng bá du lịch, dịch vụ, sản phẩm thương mại tốt nhất, hướng đến sự phát triển của ngành công nghiệp xanh”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Hàng ngàn nghệ nhân trình diễn cồng chiêng đường phố chào mừng Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai năm 2023

Gia Lai trở thành trung tâm du lịch

Với đà tăng trưởng trên, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 có tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai đạt 1,32 triệu lượt, tăng 10% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế 10.000 lượt, khách nội địa 1,31 triệu lượt. Tổng thu du lịch dự kiến đạt 860 tỷ đồng, tăng 8,86% so với năm 2023.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thời gian tới, sẽ tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng ấn phẩm điện tử, cơ sở dữ liệu phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; tập trung hoàn thiện và vận hành cổng thông tin điện tử, cổng thông tin du lịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch để hỗ trợ hoạt động quảng bá du lịch.

Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và trong khu vực, triển khai các chương trình ký kết với TP.HCM, Hà Nội, Chương trình liên kết 6 tỉnh (Phú Yên - Bình Định - Quảng Ngãi - Đắk Lắk – Gia Lai - Kon Tum).

Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn 2050 có mục tiêu xây dựng phương án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch về nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe và rèn luyện thể lực, thể dục - thể thao; phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Cụ thể, đến năm 2030, Gia Lai đạt 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 4,1 triệu lượt, khách quốc tế 0,1 triệu lượt; lượng khách tăng trưởng bình quân 20%/năm; tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 20%/năm; tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai phấn đấu trở thành “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”. Thương hiệu và tính bền vững của du lịch tỉnh Gia Lai cần được thể hiện ở các tiêu chí chính là đẳng cấp, khác biệt, khả thi.

Gia Lai cũng đề ra phương hướng phát triển không gian du lịch, văn hóa, giải trí gắn với danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử, địa chất. Ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng và các tỉnh liền kề, kết nối các tuyến du lịch liên vùng (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk, Tây Nguyên - Campuchia - Lào, Tây Nguyên - Vùng duyên hải Nam Trung bộ). Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển thêm 1 - 2 dự án có quy mô quốc gia và ít nhất 5 dự án có quy mô cấp địa phương.

Hình thành 5 cụm du lịch chính, gồm cụm du lịch trung tâm Pleiku và phụ cận, cụm du lịch động lực phía Nam - Ayun Pa, cụm du lịch động lực phía Đông - An Khê, cụm du lịch động lực phía Tây - Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, cụm du lịch Đak Đoa - Mang Yang - Kbang. Đây là các động lực chính, kết hợp với 2 cụm du lịch phụ trợ là cụm du lịch Ia Ly (Chư Păh, Ia Grai) và cụm du lịch Chư Sê - Chư Pưh.

Kết nối Gia Lai với tuyến du lịch quốc tế “Con đường di sản Đông Dương” nối Việt Nam - Lào - Campuchia và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), “Con đường hữu nghị” nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar…

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai là “cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, là điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững. Đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch. Trong đó, phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm du lịch của vùng về nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, độc đáo và khác biệt. Xây dựng, phát triển du lịch canh nông, lâm nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng.

“Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chú trọng phát triển hạ tầng thiết yếu tại các di tích, danh thắng; kêu gọi đầu tư các dự án có tiềm năng du lịch, như Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, Khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng… để tạo điểm nhấn phát triển du lịch của tỉnh; hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã được quy hoạch, phê duyệt và đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo.

Tin liên quan
Tin khác