Đầu tư Phát triển bền vững
Gia Lai đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết - phát triển rừng
Linh Đan - 26/11/2022 10:29
Tỉnh Gia Lai đề xuất Chính phủ nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tỉnh Gia Lai vừa đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế rừng trong thúc đẩy liên kết - phát triển rừng; sớm ban hành quy định, cơ chế liên kết vùng để cùng phát triển; quy hoạch không gia phát triển và xác định các lĩnh vực trọng tâm để đột phá phát triển sinh kế rừng, giúp Tây Nguyên khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương…

Tỉnh Gia Lai cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước bằng việc đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi lớn, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt trong mùa khô, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế đối với đất lâm nghiệp nhưng không có rừng thì được đưa một phần diện tích ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và chuyển mục đích sử dụng khác để phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Gia Lai đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ rừng và phát huy hiệu quả kinh tế rừng tại Gia Lai đến năm 2030.

Tỉnh Gia Lai xác định phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng biến đổi khí hậu” là hết sức quan trọng.

Đây cũng là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đồng thời, Tỉnh ủy Gia Lia đã ban hành một Nghị quyết riêng - Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 20/1/2022 về nội dung này.

Theo đó, quan điểm của tỉnh Gia Lai là phát triển lâm nghiệp bền vững là phát triển toàn diện, đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí; tạo sinh kế bằng việc tăng cường tiếp cận các chính sách phát triển sinh kế rừng, đất rừng thông qua giao đất, giao rừng, tín dụng để phát triển rừng, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, các hoạt động tạo lập thu nhập từ quản lý bảo vệ rừng cho người dung sống ở vùng có rừng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực tự nhiên và xã hội để đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và hưởng lợi từ rừng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tin liên quan
Tin khác