Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Phó chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Tiến Đông vừa ký công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản và huy động vốn đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Theo đó, trong thời gian qua, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn triển khai các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các nhà đầu tư thứ cấp.
Cụ thể, có nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh không phù hợp với quy định; việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm các dự án bất động sản chưa đúng với quy hoạch xây dựng …
Vì vậy, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, nganh và địa phương thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tăng cường kiểm tra công tác quản lý đất đai, giá đất, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Chính quyền tỉnh Gia Lai yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản. |
Ông Nguyễn Tiến Đông đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tiến độ các dự án bất động sản theo nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai và giá đất, đồng thời chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với các dự án kinh doanh bất động sản và dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Sở Xây dựng được giao tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh; Xử lý nghiêm các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào giao dịch, kinh doanh trên thị trường. Thường xuyên công bố, công khai thông tin dự án đầu tư xây dựng nhà ở đủ điều kiện/chưa đủ điều kiện kinh doanh, giao dịch trên thị trường bất động sản theo quy định pháp luật...
Các chủ đầu tư dự án bất động sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình triển khai dự án. Thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn, thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định; sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án; nghiêm cấm chủ đầu tư huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở được ứng trước của khách hàng theo quy định của pháp luật.
Các địa phương có trách nhiệm tăng cường quản lý các hoạt động môi giới có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; kịp thời kiểm tra ngăn chặn các thông tin, hình thức rao bán, quảng cáo thổi phồng dự án, nhất là các dự án chưa đầy đủ quy trình thủ tục và chưa đầu tư xây dựng, đấu nối hạ tầng…
Quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 995,62 ha;
Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 53,5 ha;
Quỹ đất phát triển nhà ở cho các hộ thuộc diện tái định cư khoảng 75,4 ha;
Quỹ đất phát triển nhà ở riêng lẻ dân tự xây khoảng 292,0 ha.
Nguồn vốn phát triển nhà ở:
+ Nhà ở thương mại khoảng 11.227,0 tỷ đồng;
+ Nhà ở xã hội khoảng 526 tỷ đồng;
+ Nhà ở cho người nghèo khoảng 876,42 tỷ đồng…
(Theo Kế hoạch Phát triển nhà ở tỉnh Gia Lai)