10 ngày đầu tháng 8/2018, tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg, lập kỷ lục mới về giá trong nhiều năm trở lại đây |
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mức giá 57.000 đồng/kg lợn hơi trong 10 ngày đầu tháng 8 vừa qua được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm. So với năm 2017, giá thịt lợn ở thời điểm này đã tăng gấp đôi.
Cụ thể, tại miền Bắc, hiện giá lợn hơi đang được thu mua trong mức 52.000 - 55.500 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 47.000 - 55.000 đồng; trong khi tại miền Nam giá lợn giao dịch trong ngưỡng 46.000 - 51.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng phát đi cảnh báo rằng, nếu mức giá lợn hơi trên 55.000 đồng/kg kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt khiến tình trạng cung vượt cầu như năm 2017 có thể tái diễn.
Không chỉ giá lợn hơi phi mã, giá trứng gia cầm cũng có xu hướng tăng so với cuối tháng 7/2018. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua trứng gà tại trại tăng 50 đồng/quả, lên 2.150 - 2.250 đồng/quả. Giá thu mua trứng vịt tại trại tăng 150 - 200 đồng/quả, lên 2.400 - 2.650 đồng/quả. Giá trứng tăng do nguồn cung giảm trong bối cảnh mùa Trung thu đang cận kề.
Trong khi đó, giá thu mua gà thịt tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg, lên mức 34.000 đồng/kg. Giá thu mua gà thịt lông màu tại hai khu vực này tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, lên 33.000 đồng/kg.
Dự báo, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ nay tới cuối năm vẫn tốt. Kể từ cuối tháng 3/2018 đến nay, giá lợn tăng đã thúc đẩy hoạt động đầu tư tái đàn và nuôi thâm canh trở lại. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường lợn hơi sẽ dần được cải thiện trong các tháng cuối năm 2018.
Tuy nhiên, giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao trong một vài tháng tới và có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng từ thịt nhập khẩu. Trong bối cảnh giá lợn hơi trong nước tăng mạnh do nguồn cung hạn hẹp, thịt lợn ngoại tiếp tục được nhập ồ ạt với mức giá trung bình chỉ khoảng 35.500 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu 678 tấn thịt lợn đã qua giết mổ trong tháng 6, tương đương trị giá đạt 1,03 triệu USD. So với tháng 5, con số này tăng 50,4% về khối lượng và 50,7% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 4,8 triệu USD để nhập khẩu 2.806 tấn thịt lợn đã qua giết mổ từ nước ngoài.
Đáng lưu ý, giá thịt lợn nhập khẩu trung bình trong tháng 6 đạt 1.524 USD/tấn, tương đương khoảng 35.500 đồng/kg. Mặc dù tăng nhẹ so với tháng 5 nhưng mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá heo hơi trong nước.
"Trước sức ép cạnh tranh từ nguồn thịt nhập khẩu, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, cần tiếp tục cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành để đảm bảo cạnh tranh với thịt nhập khẩu, và nâng cao chất lượng để hướng đến xuất khẩu", Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo.
Về tình hình sản xuất chăn nuôi, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7/2018, tổng đàn trâu của cả nước giảm 1,2%, tổng đàn bò tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2017.
Chăn nuôi lợn, tháng 7/2018, giá lợn hơi ổn định ở mức cao, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tăng đàn. Ước tính đến hết tháng 7/2018, tổng đàn lợn cả nước giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2017.
Chăn nuôi gia cầm trong tháng 7/2018 phát triển tốt, các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ gia cầm ổn định, giá bán ở mức có lãi cho người chăn nuôi. Ước tính đến hết tháng 7/2018, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2017.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 44 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 305 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm đạt 19,4 triệu USD, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 5,3% thị phần; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn lần lượt đạt 1,7 triệu USD và 21,3 triệu USD, giảm 63,9% và giảm 56,4% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu phụ phẩm sau giết mổ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 54,3% thị phần.