Xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá phân bón toàn cầu tăng mạnh. Giá phân bón nhập khẩu từ Nga trong quý 1/2022 đã tăng 83% so với cùng kỳ 2021. |
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu phân bón từ một số thị trường trong 3 tháng đầu nâm 2022 đã tăng mạnh về trị giá, dù lượng giảm.
Quý I/2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 928.539 tấn, trị giá trên 441,33 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 475,3 USD/tấn.
Mức nhập khẩu so với cùng kỳ dẫu giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 67,3% về trị giá và giá nhập khẩu đã tăng 77,7% so với quý I/2021.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 39% trong tổng lượng và chiếm 33% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 362.458 tấn, tương đương 145,4 triệu USD, giá trung bình 401,2 USD/tấn, giảm 22,5% về lượng, nhưng tăng 17,8% về trị giá. Giá phân bón nhập từ Trung Quốc đã tăng 52% về giá so với quý I/2021.
Thị trường nhập khẩu phân bón lớn thứ 2 là Nga vẫn duy trì mức tăng khá cả về lượng và trị giá., với 110.396 tấn, tương đương 68 triệu USD, giá trung bình 616,5 USD/tấn, tăng mạnh 75,3% về lượng, tăng 220,7% về trị giá. Giá phân bón nhập từ Nga đã tăng tới 82,9% so với quý I năm ngoái.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt 589.405 tấn, tương đương 233,47 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 35,5% trị giá so với cùng kỳ, chiếm 63,5% trong tổng lượng và chiếm 52,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 174.870 tấn, tương đương 59,09 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ, với mức tăng tương ứng 48,8% và 168,3%, chiếm 18,8% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón.
Giá phân bón trong nước đang chịu tác động mạnh từ đại dịch trong 2 năm 2020-2021, nhưng từ đầu nâm 2022 đến nay chịu thêm tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Cùng với dầu thô, kim loại và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh bởi xung đột này.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá phân bón thế giới đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây, thị trường phân bón trong nước vì vậy cũng biến động mạnh theo xu thế của thế giới.
Năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat; xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu amoni nitrat đạt 4,313 triệu tấn, chiếm 49% thị phần thế giới; xuất khẩu NPK đạt 5,928 triệu tấn, chiếm 38%; xuất khẩu phân SA đạt 4,424 triệu tấn, chiếm 30%; xuất khẩu ure gần 7 triệu tấn, chiếm 18%,…
Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn phân bón, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu,. Tính riêng năm 2021, nước ta nhập khẩu từ Nga 386.193 tấn phân bón các loại, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% trị giá.
Trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tới 21-24% trong tổng chi phí sản xuất. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất các loại hàng hóa nông nghiệp, nông dân thua thiệt nếu giá bán thành phẩm không tăng tương ứng.