Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong quý I năm 2016, tổng đài 1800.6838 đã ghi nhận có 1.406 cuộc gọi của người tiêu dùng để phản ánh, khiếu nại. Trong Quý I năm 2016, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (56 trường hợp, chiếm khoảng 22,3%). Sau đó là nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và điện thoại, viễn thông. Đây là 3 nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.
Như vậy, bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì nhóm “tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” cũng đang tăng dần số lượng phản ánh, khiếu nại đến Tổng đài, cụ thể là dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng từ các công ty tín dụng và dịch vụ bảo hiểm.
Trước đó, năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh, cũng có văn bản khuyến cáo với người tiêu dùng về dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Dựa trên những vụ việc đang được giải quyết, VCA khẳng định, có tình trạng nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ. VCA cũng khẳng định, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Để phòng trách rủi ro do từ tín dụng tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng cần đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Đồng thời, cần lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.
Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng.