Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế đầy thách thức với sự thay đổi liên tục về nhu cầu và sự cạnh tranh gay gắt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần phải sử dụng các công cụ truyền thông, quảng cáo khác nhau để thu hút và giữ chân khách hàng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc gia tăng truyền thông, quảng cáo giúp khối lượng bán hàng tăng lên, từ đó tạo cơ hội tăng hiệu quả kinh doanh.
Dấu ấn nổi bật ngành TT&TT năm 2023
(Nguồn: Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Sự tăng trưởng và hiệu quả của truyền thông số toàn cầu
Thị trường truyền thông và quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu ước tính đạt 350 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 786,2 tỷ USD vào năm 2026. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn chứng kiến những con số ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn từ 2020-2026 được dự đoán là 9%; Màn hình kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 15,5%, trong khi con số của các tìm kiếm là 12,2%. Tìm kiếm chiếm 40,9% thị trường tiếp thị và quảng cáo kỹ thuật số toàn cầu; 63% doanh nghiệp đã tăng ngân sách tiếp thị kỹ thuật số chỉ trong năm 2023 vừa qua…
Một vài số liệu thống kê cho thấy, với mỗi 1 đô la chi cho Pay-Per-Click (PPC), bạn sẽ nhận được 2 đô la và đạt 200% tỷ lệ hoàn vốn (ROI);
Trong đó, theo báo cáo, các kênh quảng cáo trả phí có tỷ lệ ROI cao nhất là Quảng cáo Facebook và Quảng cáo Google, 49% doanh nghiệp cho rằng tìm kiếm không phải trả tiền mang lại ROI tiếp thị tốt nhất;
Với mỗi 1 đô la chi cho tiếp thị qua email, bạn sẽ nhận được 36 đô la và đây được xem là kênh tiếp thị mang lại lợi tức đầu tư cao nhất cho các doanh nghiệp nhỏ, thực tế, hơn 20% doanh nghiệp cho rằng, số lượng khách hàng tiềm năng được tạo ra là công cụ chính để đo lường thành công cho các kênh tiếp thị của họ;…
Tiềm năng, lợi thế của thị trường truyền thông Việt Nam
Không nằm ngoài xu hướng truyền thông, quảng cáo toàn cầu, năm 2023 ngành truyền thông Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như: doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng (tăng 1,49% so với năm 2022); Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng (tăng 1,31% so với năm 2022); Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 887.398 tỷ đồng (tăng 1,34% so với năm 2022); Tổng số lao động toàn Ngành năm 2023 ước khoảng 1.767.766 lao động (tăng 2,72% so với năm 2022).
Đáng nói, với sự bùng nổ của truyền thông, quảng cáo kỹ thuật số, thị trường quảng cáo Việt Nam 2023 đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể. Nổi bật trong số này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc Quảng cáo TV và Video, phân khúc này không chỉ chiếm lĩnh thị trường về doanh thu mà còn dẫn dắt xu hướng quảng cáo sáng tạo.
Mặc dù một số kênh có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong quảng cáo tìm kiếm và mạng xã hội.
Theo báo cáo của nền tảng đo lường, dữ liệu và phân tích truyền thông kỹ thuật số DoubleVerify (DV), dự báo thị trường quảng cáo tại Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ 3 Đông Nam Á, với chi tiêu gần 2,6 tỷ USD năm 2024. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức chi tiêu cho quảng cáo cao trong khu vực Đông Nam Á năm 2023. Đáng nói, với định vị là thị trường quảng cáo tăng trưởng nhanh thứ 3 tại Đông Nam Á, tăng trưởng của Việt Nam là điều chắc chắn với kỳ vọng đạt tới gần 2,6 tỷ USD trong năm 2024 sẽ mở ra cơ hội độc nhất vô nhị để các nhà tiếp thị tối ưu các chiến dịch và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.
Các chuyên gia cho rằng, dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, việc nắm bắt và vận dụng những xu hướng truyền thông mới là yếu tố then chốt để cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Hướng đi cần thiết cho doanh nghiệp
Nhìn vào thực tế thị trường truyền thông toàn cầu và trong nước có thể thấy, truyền thông hiệu quả mang đến nhiều giá trị cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng được cho là giải pháp hữu hiệu để đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các doanh nghiệp.
Thực tế thống kê cũng cho thấy, dù mang lại nhiều giá trị hơn nhưng chi phí cho truyền thông chỉ chiếm 6-12% tổng doanh thu đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp mặt hàng tiêu dùng, còn đối với các doanh nghiệp B2B, tỷ lệ này ở mức 2-6%.
Theo khảo sát của Deloitte năm 2022, mức chi phí cho hoạt động truyền thông marketing của các ngành/lĩnh vực là tương đối nhỏ. Cụ thể chi phí truyền thông của các ngành như: Ngân hàng, tài chính là 8%; Bảo hiểm và Bất động sản là 8%; Hàng tiêu dùng đóng gói 9%; Dịch vụ tiêu dùng là 6%; Giáo dục là 3%; Khai khoáng và xây dựng là 3%;... đặc biệt, chi phí truyền thông cho ngành năng lượng chỉ chiếm 1% trên tổng chi phí.
Mức chi phí cho hoạt động truyền thông marketing của các ngành/lĩnh vực
(Nguồn: Theo khảo sát của Deloitte, 2022) |
Sở dĩ, chi phí truyền thông cho ngành năng lượng nhỏ là bởi ngành này thường tập trung vào giao dịch B2B nhiều hơn là B2C – nơi mà các quyết định mua hàng thường dựa trên yếu tố kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và dịch vụ hơn là qua các chiến dịch marketing truyền thông rộng rãi.
Ngành năng lượng có mức chi phí cho truyền thông thấp nhất, và mức chi phí này cũng chủ yếu tập trung cho xây dựng thương hiệu và hình ảnh doanh nghiệp, đặc biệt gắn với các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Ngược lại với ngành năng lượng thì ngành hàng tiêu dùng đóng gói lại tập trung vào truyền thông cho thương hiệu sản phẩm
Trên thực tế, nhờ hoạt động truyền thông mạnh mẽ, đi đúng hướng, nhiều doanh nghiệp không chỉ củng cố được thương hiệu và mở rộng thị phần, mà còn tạo dựng được niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng và đối tác, đảm bảo sự phát triển kinh doanh bền vững ngay cả trong bối cảnh khó khăn.
Truyền thông hiệu quả còn đem đến nhiều giá trị cho hoạt động của doanh nghiệp như: hỗ trợ quản lý khủng hoảng, duy trì sự ổn định; tạo điều kiện thuận lợi trong giao tiếp và đàm phán; tăng cường mối quan hệ với cổ đông và nhà đầu tư.