Ngân hàng - Bảo hiểm
Giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 16 triệu đồng/lượng
T.V - 06/04/2022 11:52
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng nay quay đầu giảm khoảng 15 USD/ounce xuống còn 1.916 USD/ounce khi USD tăng. Vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới đến gần 16 triệu đồng/lượng.

Sở dị giá vàng giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay do lãi suất của Mỹ cao làm tăng phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, trong khi thúc đẩy USD.

Giá vàng đang chịu sự chi phối bởi hai yếu tố nổi bật là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực tăng lãi suất làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Vàng mất mức tăng giá do Fed sẽ thực hiện một loạt đợt tăng lãi suất trong năm nay. Điều này ​​khiến lợi tức Kho bạc Mỹ tăng cao hơn  gây áp lực lên vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã tăng theo tin tức đó và hiện đạt mức 2,466%.

 Trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ neo gần đỉnh kể từ đầu năm 2019. Sức khỏe đồng bạc xanh của Mỹ tăng liên tiếp ba phiên nhờ triển vọng phương Tây áp lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Là nước khai thác vàng lớn thứ hai trên thế giới, Nga đang phải xoay xở tìm cách giải phóng khối lượng vàng khổng lồ sau lệnh trừng phạt vì xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, ngành công nghiệp vàng của Nga vốn có thị trường chủ yếu ở châu Âu và Mỹ.

Giới phân tích tài chính nhận định, chính lệnh cấm vận nghiêm ngặt của phương Tây sẽ khiến ngành vàng của Nga bị ảnh hưởng rõ rệt.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ thu mua vàng trở lại sau 2 năm tạm dừng, nhưng họ sẽ không mua vào nhiều như trước đây. Nga xuất khẩu 340 tấn vàng khai thác, trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Chính phủ Nga đã xóa bỏ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua - bán lẻ vàng trong nước sau khi tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp.

Chuyên gia phân tích của Standard Chartered đánh giá, nếu nhu cầu trong nước của Nga tăng lên, thị trường quốc tế sẽ mất đi một nguồn cung. Giá vàng có thể quay về thế cân bằng hơn lần đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay.

Trong khi đó, trong tháng thứ hai liên tiếp, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bán ròng vàng trong tháng 2/2022, theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC).

Đồng thời, trong một báo cáo mới công bố, WGC cũng cho biết về số dư, 6 tấn vàng đã chảy ra khỏi kho dự trữ chính thức trong tháng 2/2022 do hoạt động được chi phối, nhưng chỉ là một số ngân hàng trung ương.

Mặc dù các ngân hàng trung ương đã bán ròng vàng trong hai tháng đầu năm 2022, các nhà phân tích tại WGC đã nói rằng, họ kỳ vọng các ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ mua ròng vàng.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự bất ổn địa chính trị đáng kể, khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về vai trò của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Về dại hạn, vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa khỏi USD, nhưng cũng sẽ mất nhiều thời gian. 

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 68,1 - 68,75 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm khoảng 100.000 đồng - 150.000 đồng/lượng so với hôm uqa. 

Tiệm vàng Mi Hồng giảm mạnh giá mua 200.000 đồng/lượng, còn 68,2 triệu đồng/lượng, chiều bán ra giảm chỉ 100.000 đồng/lượng, còn 68,7 triệu đồng/lượng.

Quy đổi hiện nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì cao hơn thế giới gần 16 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá ngân hàng (chưa thuế, phí).

Ngày 6/4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng nhẹ 2 đồng, lên 23.100 đồng/USD. Tương tự, Vietcombank cũng tăng 10 đồng ở chiều mua vào, lên 22.700 đồng/USD và tăng 30 đồng ở chiều bán ra, lên 22.980 đồng. 

Tin liên quan
Tin khác