Mặc dù đã tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, song giới phân tích dự báo, giá vàng có thể tiếp tục tăng nếu cuộc chiến giữa Nga - Ukarine chưa lắng dịu.
Thậm chí, giá vàng quốc tế đã thiết lập mức cao nhất kể từ tháng 8/2020 trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn do lo ngại về tình trạng leo thang xung đột tại Ukraine cũng như sự gián đoạn trên thị trường dầu mỏ.
Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, chính mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột ở Ukraine và tương lai vô định của nó đã thúc đẩy hoạt động mua vàng trên diện rộng, đẩy giá lên mức 2.000 USD/ounce.
Trong trường hợp tình hình Ukraine không có gì thay đổi, giá vàng sẽ nhanh chóng leo lên vùng 2.100 đô la và sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Lo ngại về nguồn cung kim loại từ Nga, nhà sản xuất chủ chốt, sẽ tiếp tục siết chặt thị trường hơn nữa. Ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ tiếp tục mua vàng từ thị trường nội địa.
Đây là một trong các nỗ lực nhằm thực hiện các biện pháp giúp ổn định tài chính trong nước trong bối cảnh các quốc gia phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Việc gom vàng cũng được triển khai khi đồng rúp và chứng khoán Nga lao dốc trong những phiên vừa qua. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng, tương đương 21% tổng kho dự trữ vào cuối tháng 1/2021.
Vàng đã tăng giá mạnh kể từ khi Nga quyết định triển khai chiến lược quân sự đặc biệt tại Ukraine. Dòng tiền thông minh tiếp tục tìm tới vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới cho hay, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 0,4% lên 1.054,3 tấn trong phiên 4/3, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021.
Thị trường chứng khoán đang ở trong tình trạng bất ổn và điều đó cũng là tín hiệu tích cực đối với kim loại quý. Các chỉ số chính của Phố Wall giảm 1% do giá dầu thô tăng vọt làm dấy lên lo ngại về lạm phát xoắn ốc.
Vàng được coi là kho lưu trữ giá trị an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính. Nó cũng được coi như một hàng rào chống lại lạm phát gia tăng.
Trong khi đó, USD giữ xu hướng đi lên trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 99,25 điểm.
Đối với thị trường trong nước, vàng SJC do Công ty SJC niêm yết cuối ngày 7/3 đã tăng gần 5 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó và chính thức thiết lập mức cao nhất lịch sử.
Cụ thể, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 71,25-74,15 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán lên gần 3 triệu đồng/lượng.
Tính trong vòng 8 ngày qua, giá bán vàng miếng SJC đã tăng 8,2 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, từ cuối tuần trước đến nay, giá vàng tăng dồn dập.
Tuy nhiên, mở cửa phiên sáng nay, vàng SJC do Công ty SJC niêm yết đã giảm về 71,8-73,4 triệu dồng/lượng (mua-bán), giảm so với trên 74 triệu đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua.
Còn tại Tiệm vàng Mi Hồng sáng nay, niêm yết giá bán SJC ở mức 7,18-7,3 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm mạnh so với hôm qua.
Tương tự, tại hệ thống PNJ niêm yết vàng SJC ở mức 70,9-73,5 triệu đồng/lượng (mua-bán) ở khu vực TP.HCM và Hà Nội. Còn ở khu vực miền Tây, giá vàng SJC được PNJ niêm yết mức 71,5-73,5 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Điều đáng nói là quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.
Điều này cũng đồng nghĩa là người mua trong nước phải trả giá cao hơn quốc tế hơn 30%. Hơn nữa, giá vàng trong nước cũng được ghi nhận trạng thái tăng... điên loạn, nhất là trong ngày 7/3, trong khi giá kim loại trên thị trường thế giới cùng ngày chỉ tăng 30 USD/ounce (tương đương 840.000 đồng/lượng), lên 2.001 USD/ounce.
Ngày 8/3, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.171 đồng/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi lên, như ngân hàng Vietcombank tăng 10 đồng so với hôm qua, đưa giá mua lên 22.680 đồng/USD và bán ra 22.990 đồng/USD.